Bancassurance - Từ đỉnh cao lợi nhuận đến cuộc khủng hoảng niềm tin

Admin
Bancassurance từng là "mỏ vàng" lợi nhuận của ngân hàng, nhưng với những vụ việc gây tranh cãi và sự suy giảm niềm tin, mô hình này đang đối mặt khủng hoảng.

Từng là "mỏ vàng" lợi nhuận của ngân hàng

Bancassurance - mô hình hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm để phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đã từng là một trong những nguồn thu quan trọng của các ngân hàng Việt Nam.

Trong bối cảnh lãi suất biến động và cạnh tranh gay gắt trong mảng tín dụng, bancassurance được xem là "mỏ vàng" giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận và đa dạng hóa nguồn thu.

Giai đoạn 2019 - 2022 từng chứng kiến sự bùng nổ của mô hình này, khi hàng loạt ngân hàng ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền dài hạn từ 15 đến 19 năm với các công ty bảo hiểm, mở ra một thời kỳ hoàng kim đối với kênh bảo hiểm - ngân hàng.

Năm 2021 được xem là giai đoạn đỉnh cao của bancassurance khi nhiều ngân hàng ghi nhận doanh thu khổng lồ từ mảng này. Theo số liệu tài chính, MB dẫn đầu với thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 8.386 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2020.

Techcombank thu về 1.600 tỷ đồng, tăng đến 88% so với cùng kỳ. VIB cũng không kém cạnh với hơn 1.200 tỷ đồng thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm.

Bước sang năm 2022, dù thị trường bảo hiểm bắt đầu chịu những tác động từ các quy định thắt chặt, bancassurance vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. MB tiếp tục bứt phá với hơn 10.184 tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm.

VPBank thu về 3.354 tỷ đồng. Techcombank duy trì mức tăng trưởng với doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm đạt 1.751 tỷ đồng. VIB cũng giữ vững phong độ với 1.303 tỷ đồng thu nhập từ bảo hiểm.

Khi niềm tin dần lung lay

Năm 2023 có thể xem là một năm đầy biến động đối với ngành bảo hiểm, đặc biệt là với kênh bancassurance. Hàng loạt vụ việc gây tranh cãi đã làm dấy lên làn sóng bức xúc trong dư luận, khiến niềm tin của người dân vào doanh nghiệp bảo hiểm và kênh phân phối qua ngân hàng suy giảm nghiêm trọng.

Việc khách hàng phản ánh về tình trạng tư vấn sai lệch, ép mua bảo hiểm khi vay vốn, cùng với những quy định giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý đã khiến hoạt động bancassurance chững lại rõ rệt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ phí dịch vụ của nhiều ngân hàng, vốn trước đây xem bancassurance là "gà đẻ trứng vàng".

Trong năm 2024 dù nhiều ngân hàng ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động này như MB với doanh thu 8.443 tỷ đồng, theo sau là VPBank đạt gần 4.151 tỷ đồng. Các ngân hàng khác cũng thu về khoản lợi nhuận đáng kể, như Techcombank với 605,7 tỷ đồng, VIB đạt 447 tỷ đồng và TPBank thu về 368,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm qua ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, VPBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương ở kênh bán bảo hiểm so với đỉnh cao năm 2022.

Bancassurance - Từ đỉnh cao lợi nhuận đến cuộc khủng hoảng niềm tin- Ảnh 1.

Nhiều sai phạm được chỉ ra trong kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng của doanh nghiệp bảo hiểm.

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng lại một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và độ tin cậy thực khi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã công khai kết luận thanh tra đối với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir (Công ty Mirae Asset Prévoir) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam (Cathay Life).

Trong đó chỉ ra nhiều vi phạm của 2 doanh nghiệp này trong triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng liên quan đến tư vấn sai quy định, khách không tự nguyện mua bảo hiểm...

Trên cơ sở những vi phạm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm lưu ý Công ty Mirae Asset Prévoir phải rà soát các khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo quy định pháp luật và rà soát, điều chỉnh công tác hạch toán, kế toán theo quy định pháp luật.

Với Cathay Life, Đoàn thanh tra đề nghị rà soát, hoàn thiện việc triển khai, giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quy định nội bộ của Công ty để cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên kết chung qua tổ chức tín dụng.

Ngân hàng - bảo hiểm "đường ai nấy đi"

Không chỉ dừng lại ở việc doanh thu sụt giảm, thời gian gần đây, thị trường chứng kiến những cuộc "chia tay" giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của mô hình này.

Cuối năm 2024, Techcombank và Manulife Việt Nam chính thức dừng hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng.

Với việc chấm dứt sớm 8 năm hợp đồng có kỳ hạn 15 năm, Techcombank chấp nhận trả cho đối tác 1.800 tỷ đồng. Theo đại diện của ngân hàng, việc chấm dứt hợp tác là do những thay đổi về điều kiện kinh doanh bảo hiểm.

Bancassurance - Từ đỉnh cao lợi nhuận đến cuộc khủng hoảng niềm tin- Ảnh 2.

Techcombank công bố ngừng mối quan hệ đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife.

Ngay sau đó, Techcombank đã đóng góp 11% (55 tỷ đồng) để lập CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns), có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Mới đây, ngân hàng này công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông về việc góp vốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, Techcombank dự kiến góp vốn thành lập Công ty CP Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife) với vốn điều lệ dự kiến tối thiểu 1.300 tỷ đồng. Techcombank sở hữu trên 50% và tối đa 100% vốn tại doanh nghiệp.

Đồng thời, ngân hàng dự kiến chi 285 tỷ đồng để mua lại 57% vốn của TCGIns từ cổ đông lớn nhất là Công ty Đầu tư và phát triển NewCo. Qua đó tăng tỉ lệ sở hữu của nhà băng này tại TCGIns từ 11% lên 68%, trở thành công ty mẹ.

Dễ dàng tiếp cận với BHNT qua kênh BancassuranceNhiều sai phạm trong kênh bán bảo hiểm qua ngân hàngVì sao NHNN đề xuất cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư?

Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã chấm dứt hợp tác với Bảo hiểm FWD trong năm 2022.

Năm này, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm của ngân hàng giảm đến gần 90% với với trước đó xuống 4,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo tài chính chỉ ra, chi phí thanh toán theo thỏa thuận chấm dứt hợp tác phân phối bảo hiểm là hơn 240,4 tỷ đồng.

Cũng trong năm này, (ABBANK) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) công bố hợp tác chiến lược.

Từng được xem là một trong những "mỏ vàng" lợi nhuận của ngân hàng, bancassurance giờ đây đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.  Niềm tin của khách hàng cần thời gian để khôi phục, trong khi các ngân hàng và công ty bảo hiểm phải thích nghi với môi trường kinh doanh ngày càng khắt khe hơn. 

Trong tương lai, sự minh bạch, chất lượng dịch vụ và các mô hình hợp tác linh hoạt có thể sẽ là chìa khóa giúp bancassurance tìm lại đà tăng trưởng, nhưng chắc chắn sẽ không còn là "cỗ máy in tiền" dễ dàng như giai đoạn trước.