Bất động sản Đà Nẵng có diễn biến mới ngay đầu năm mới

Admin
Dự báo thanh khoản thị trường đất nền, căn hộ thứ cấp Đà Nẵng tiếp tục xu hướng tăng tích cực so với cùng kỳ, giao dịch thị trường phân bổ chủ yếu ở nhóm sản phẩm đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, liên kết vùng thuận tiện.

Theo DKRA Consulting, nền kinh tế phục hồi, hệ thống pháp lý hoàn thiện, lãi suất vay mua bất động sản hạ nhiệt,... là các yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo sự phục hồi cho thị trường Đà Nẵng trong thời gian tới.

Trong các quý cuối cùng của năm 2024, thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận sự phục hồi về nguồn cung lẫn sức cầu. Tại Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục là địa phương dẫn dắt nguồn cung và lượng tiêu thụ của thị trường. Tỉnh Thừa Thiên Huế duy trì tình trạng khan hiếm dự án mới. Mặc dù vấn đề pháp lý còn là trở ngại nhưng niềm tin của người mua đang dần phục hồi. Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và du lịch tiếp tục là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản Đà Nẵng trong năm 2025.

Theo đại diện Avison Young, năm 2024 là một năm đầy thách thức nhưng cũng không thiếu cơ hội đối với thị trường căn hộ tại Đà Nẵng. Mức giá bán căn hộ tăng dần qua các quý, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Các chủ đầu tư đã có những chiến lược phù hợp để thích ứng với thị trường, bao gồm việc tái cấu trúc tài chính và thay đổi kế hoạch bán hàng. Giai đoạn cuối năm đến đầu năm 2025, với việc một số dự án đang truyền thông chuẩn bị mở bán nguồn cung mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những chuyển biến khả quan, tuy nhiên sẽ khó có những đột biến trong ngắn hạn.

Mới đây, thông tin năm 2025, Đà Nẵng sẽ khởi công loạt dự án với tổng vốn đầu tư trên 150.000 tỷ đồng đã và đang tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Cụ thể, dự án nghỉ dưỡng quốc tế Làng Vân trên 44.000 tỷ đồng; tổ hợp công viên Châu Á trên 43.000 tỷ đồng; các công trình, dự án của tập đoàn FPT trên 5.000 tỷ đồng; một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, ven sông và khu vực bán đảo Sơn Trà hơn 60.000 tỷ đồng; dự án khu công nghệ thông tin của Tập đoàn Viettel trên 2.000 tỷ đồng…; hay sân vận động Chi Lăng sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và việc giải phóng mặt bằng trước ngày 30/4, đủ điều kiện để đấu giá trong năm 2025.

Đối với việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, hiện nay, thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025. Đồng thời, chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư kết cấu hạ tầng trung tâm tài chính.

Về cảng Liên Chiểu, cuối năm 2025 sẽ xong phần hạ tầng dùng chung, hiện nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thành phố đang tích cực cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tham mưu cấp có thẩm quyền chọn được nhà đầu tư chiến lược đáp ứng với các tiêu chí theo Nghị quyết của Quốc hội và có đủ năng lực điều kiện thực tế để xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng trung chuyển quốc tế, hiện đại, là cảng xanh như kết luận của Thủ tướng.

Về triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, cơ bản thành phố đã hoàn thành việc ban hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố để triển khai và đã tạo sự quan tâm, thu hút của các nhà đầu tư.

Tối 9/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng để giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp thành phố triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tăng tốc, bứt phá. Thủ tướng kỳ vọng thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống năng động, sáng tạo trong năm 2025.