Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội

Admin
Quang Hải nói rằng anh bật khóc không phải vì giá quá đắt hay không vừa sức mình, mà hoàn toàn ngược lại!
 

Bật khóc vì mình được chào đón quay về sau nhiều năm bôn ba

10 năm sinh sống ở Hà Nội, sau 10 ngày về quê du lịch, Quang Hải ra một quyết định táo bạo ở tuổi 29: Bỏ phố về núi, mở homestay, phát triển du lịch.

Và hành trình này của chàng trai đến từ Hòa Bình (nay là Phú Thọ) khi được chia sẻ trên những thước phim ở TikTok đã thu hút hàng trăm nghìn người quan tâm.

Cuộc sống mộc mạc nơi núi rừng của anh chàng 9X khiến nhiều người liên tưởng đến những khung cảnh yên bình, nên thơ trong các bộ phim chữa lành, nơi người trẻ trở về quê để sống - nơi có gia đình, có xóm làng và cả những điều nhỏ bé giản dị. Đó cũng là nơi mà Quang Hải bắt đầu tìm lại chính mình, có một cuộc sống mà cậu bạn gọi là “đúng nghĩa” ở tuổi U30.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 1.

Quang Hải từng có thời điểm làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội trước khi về quê.

Chàng trai chia sẻ hành trình về quê khởi nghiệp ở tuổi 29. Nguồn: Anh Rùa Xóm Mừng.

Thế nhưng, hành trình này có dễ dàng như vậy, có nên thơ như những khung hình Quang Hải chia sẻ lên mạng xã hội…? Thì câu trả lời là không!

“Mình đi du lịch một mình lên xóm Mừng xã Hợp Phong, Cao Phong, Hòa Bình (nay là xóm Mừng, xã Cao Phong, tỉnh Phú Thọ) 10 ngày, như một cách để chữa lành sau khi công việc và cuộc sống gặp một vài trục trặc. Chính khoảng thời gian đó đã cho mình cơ hội nhìn lại cuộc sống hiện tại, từ mức thu nhập đến tương lai lâu dài. Và mình bắt đầu nghĩ, về quê cũng có thể là một lựa chọn phù hợp, một nơi để “sống” chứ không phải tồn tại như cách mình ở Hà Nội. 'Hay là thôi, bỏ hết về quê đi?' - quyết định này bắt đầu nhen nhóm trong đầu mình vào thời điểm đó. Mình cũng chưa biết về quê sẽ làm gì đâu. 

Cho đến ngày cuối cùng, khi trò chuyện vu vơ với chị chủ nhà đang thuê, mình buột miệng nói: 'Bây giờ em bỏ phố về rừng, thuê lại nhà của chị mở homestay thì chị có đồng ý không?'. Ai ngờ chị gật đầu cái 'rộp'. Vậy là mình bắt đầu hành trình mới từ đó", Quang Hải tâm sự mọi thứ đến như một cơ duyên, và cậu sẵn sàng bắt đầu hành trình này.

Thế nên, ngay khi trở lại thành phố, Quang Hải xin nghỉ việc ngay lập tức, bàn giao công việc trong khoảng 20 ngày và dọn đồ, về lại quê hương.

Xóm Mừng - nơi Quang Hải dự định mở homestay cách nhà cậu bạn 35-40km. Đó là vào tháng 10/2024.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 2.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 3.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 4.

Một số hình ảnh khu homestay của Quang Hải.

Và áp lực cũng bắt đầu ập đến - ngay từ vấn đề thuê đất, khu nhà với diện tích gần 3000m2. Ngoài số tiền tích cóp 10 năm ở Hà Nội, Quang Hải vay thêm bạn bè, còn có rất nhiều chi phí phải lo liệu như: sửa chữa, cải tạo và dự trù kinh phí sống 6 tháng đến 1 năm mà chưa có nguồn thu nhập ổn định,…

“Ti tỉ thứ đổ dồn khi mình quyết định về quê khởi nghiệp chứ chẳng chill đâu nha (Cười). Mình còn nhớ thời điểm nhận được tin nhắn báo giá cho thuê (3 năm liền) mình đang ngồi ở mâm cơm mà khóc luôn. Không phải vì quá đắt hay không đủ tiền mà giá... vừa sức mình. Mình không ngờ các chị ở quê thương, tạo điều kiện cho người trẻ về quê khởi nghiệp như thế...", Quang Hải nói.

Cậu bạn cho biết trước đó cũng đã đưa ra mức giá trong khả năng và bày tỏ mong muốn được người cho thuê hỗ trợ, không ngờ, cái giá để thuê 3.000m2 đất lại "ưu đãi" như vậy.

Về Xóm Mừng, mỗi tháng Quang Hải chi tiêu cho bản thân khoảng 3 triệu đồng.

“Thực tế, chi phí sinh hoạt khi mình về bản nó giảm hơn một nửa so với hồi còn ở Hà Nội. Bí quyết là mình đang ở trên núi mà, không mua sắm, không đi chơi, tự nấu ăn, suốt ngày quanh quẩn cải tạo homestay là chính nên không tốn tiền cho bản thân (Cười). Lúc đó mình còn nghĩ trong đầu là nếu mình có nhiều tiền hơn đi nữa thì ở đây mình cũng chẳng có chỗ nào để tiêu.

Khoản chi lớn và thường xuyên nhất của mình chính là những chi phí liên quan đến homestay này. Có nhiều tình huống phát sinh bất ngờ tại homestay mà mình buộc phải chi tiền ngay lập tức. Điều khiến mình lo nhất là khi có sự cố kỹ thuật, hỏng hóc, hoặc các vấn đề đòi hỏi phải gọi người lên sửa chữa gấp thì phải trả luôn. Còn với những khoản như tiền công thợ, mình vẫn có thể nợ lại các bác thợ một thời gian. Sau đó, khi có khách trở lại và dòng tiền ổn định, mình sẽ xoay vòng để thanh toán phần đó”, cậu bạn cho biết. 

Bố mẹ từ hoảng hốt chuyển qua ủng hộ, không giàu nhưng sống yên bình

Song, cũng có những vấn đề không gọi được thợ sửa chữa, mà gọi thì cũng mất rất nhiều ngày. Từ đó, Quang Hải không chỉ trở thành anh chủ homestay mà còn trở thành anh thợ đụng - đụng gì sửa đó “bất đắc dĩ”: “Đó cũng là áp lực khi phải làm mọi thứ một mình. Ngày xưa ở thành phố mình cũng sống một mình nhưng một mình ở quê nó khác rất nhiều nha. Đặc biệt là ở bản - xung quanh chỉ toàn đồi núi.

Lúc đó, mình mới nhận ra mình thiếu kỹ năng sống thể nào nhưng bây giờ mình bị đặt vào hoàn cảnh bắt buộc phải biết. Thế là mình bắt đầu mày mò, lên mạng tìm hiểu, học hỏi bố mẹ, hàng xóm từ sửa ống nước, đường điện, trồng cây, sửa nhà, nấu ăn... Bây giờ cái gì cũng biết”.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 5.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 6.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 7.

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 8.

Từ anh chủ homestay đến thợ điện nước bất đắc dĩ: Một mình xoay đủ thứ giữa núi rừng.

Hiện tại, sau gần 1 năm homestay đi vào hoạt động, Quang Hải có thêm bố đến đỡ đần, song cậu bạn gần như quán xuyến mọi thứ, từ dọn dẹp, đón khách đến nấu ăn,... Bởi thế, một ngày của chàng trai 9X luôn bắt đầu từ 6h sáng đến 23h tối hoặc hơn. Đó sẽ là những công việc không tên nhưng bắt buộc phải đều đặn làm mỗi ngày như dọn phòng, tưới cây, đi chợ nấu ăn, cắt cỏ, sửa đường ống nước,... Một anh chủ và cũng là một anh nông dân chính hiệu. 

“May mắn cũng có gia đình ở bên hỗ trợ. Đó cũng là một sự thay đổi - gắn kết gia đình hơn vì trước đây mình cứ mải lo làm việc ở thành phố, năm chỉ về quê 1-2 lần, không trò chuyện với gia đình nhiều. Ban đầu, khi về quê mở homestay mình cũng không kể nhiều với bố mẹ, mãi cho đến khi thấy không thể một mình ở đây được nữa thì mới đành gọi nhờ bố mẹ lên phụ giúp con. Ban đầu, bố mẹ mình còn hoảng hốt, không biết mình làm gì ở cái nơi ‘khỉ ho cò gáy’ này.

Giờ thì an tâm rồi, cũng hiểu rõ định hướng công việc mà mình đang muốn xây dựng. Trộm vía là homestay bắt đầu có khách rồi, có tuần full hết, đặc biệt là vào những tháng hè”, Quang Hải chia sẻ.

“Thế là quyết định bỏ phố về quê đúng đắn ha, thấy được quá trời nè?”, nhận được câu hỏi này, Quang Hải ngẫm một hồi lâu và… lắc đầu: “Mình nghĩ ở mỗi thời điểm chúng ta sẽ có những lựa chọn khác nhau. Mình biết rõ rằng làm homestay không thể khiến mình giàu có về tài chính, mức sống cũng không “phất lên” nhưng mình của hiện tại, và có thể là sau này nữa vẫn sẽ chọn cuộc sống ở đây. Đây có lẽ là sự đánh đổi để có được một cuộc sống ít ganh đua hơn, nhiều bình yên và thoải mái hơn”.

Cậu bạn cho biết bản thân luôn có những áp lực, đặc biệt là khi quyết định bỏ phố về quê, bắt đầu lại từ đầu ngưỡng gần 30 - với nhiều người thường xem đây là cột mốc của sự ổn định. 

Bật khóc khi nghe giá thuê 3.000m2 đất khi về núi sống sau 10 năm bôn ba Hà Nội- Ảnh 9.

"Nói chung là, không dễ. Nhưng tớ biết mình đang sống, chứ không chỉ tồn tại”, Quang Hải chia sẻ.

Song, khởi nghiệp ở tuổi 29, “trút” hết số tiền dành dụm trong 10 năm cũng là động lực để Quang Hải cố gắng hơn.

“Mình giờ chỉ có một con đường duy nhất thôi, đã lựa chọn về đây và mở homestay rồi và mình luôn có một cái suy nghĩ trong đầu đó là phải thành công. Dù không phải đẹp nhất nhưng ít nhất cũng phải chạm được tới khách hàng. 

Phải dốc hết toàn lực. Thế nên khi có ai đó có ý kiến trái chiều, gây lung lay ý chí thì minh sẽ ngay lập tức chọn cách im lặng, loại bỏ nó ra khỏi đầu ngay, hoặc tránh xa những những năng lượng tiêu cực để giữ vững chí".

Điều mà Quang Hải tự tin nhất ở bản thân ở độ tuổi này chính là gia đình: “Thứ mà trước đó mình từng mất tự tin nhất. Khi về đây, mình có thời gian gắn bó nhiều hơn với bố mẹ nhiều hơn, hiểu và yêu thương phụ huynh hơn. Bây giờ mình sống gần gia đình, cuộc sống bình yên, cuộc sống tạm gọi là bình yên trôi qua từng ngày - mình nghĩ đó mới là cái có lớn nhất mà tớ đang sở hữu. Giờ mà bảo quay lại thành phố để bon chen, để cạnh tranh... chắc mình không làm được nữa đâu".