Hôm nay (7/2, tức 10/1 âm lịch) là ngày vía Thần tài. Theo quan niệm xa xưa, người dân mua vàng để mong vận may cả năm. Dù vậy, nhiều năm nay chưa ai đong đếm được người dân may mắn đến đâu nhưng đây là dịp “hốt bạc” của các tiệm vàng.
Cảnh người dân xếp hàng dài từ tờ mờ sáng bất chấp giá rét, mưa phùn chờ mua vàng khiến các cửa hàng ăn lên làm ra. Qua các năm, các doanh nghiệp vàng mở rộng thêm các điểm bán vàng để “hút” tiền của người dân tin vào vía Thần tài.
Vào dịp vía Thần tài, giá vàng thường leo lên nhanh do nhu cầu tăng đột biến. Thế nhưng, trong và sau ngày này, giá sẽ đảo chiều đi xuống, có năm ghi nhận mức giảm vài triệu đồng trong một ngày. Mức chênh lệch mua vào - bán ra cũng được đẩy lên rất cao, dẫn đến nhiều người mua vàng "lướt sóng" hoặc mua làm của để dành có thể bị lỗ nặng.
![Cảnh báo rủi ro ‘mũ vàng’ ngày vía Thần tài- Ảnh 1. Cảnh báo rủi ro ‘mũ vàng’ ngày vía Thần tài- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/7/tt2-4676-3367-1738886836770-17388868370021210602059.jpeg)
Ngày vía Thần tài là dịp "hốt bạc" của nhiều tiệm vàng (ảnh: N.M).
Hiện giá vàng nhẫn, vàng miếng SJC các doanh nghiệp niêm yết quanh mốc 86 - 89 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia Tài chính Ngân hàng , Đại học Nguyễn Trãi - cảnh báo rủi ro “mũ vàng”, nhất là những trường hợp “lướt sóng” nhân ngày vía Thần tài.
“'Mũ vàng" là thuật ngữ chỉ hiện tượng giá vàng tăng vọt do nhu cầu mua cao vào một thời điểm nhất định, thường là ngày vía Thần Tài, nhưng ngay sau đó giá giảm mạnh khi nhu cầu nguội. Điều này thường xảy ra do tâm lý mua vàng lấy may của người dân khiến giá tăng đột biến trong ngắn hạn”, ông Huy cho biết.
Do cầu tăng nên các tổ chức, cá nhân đầu cơ đã đẩy giá lên, sau đó bán ra khi nhu cầu giảm, gây thua lỗ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chưa kể, các cửa hàng kinh doanh vàng thường để chênh lệch giá mua - bán quá cao trong ngày vía Thần tài khiến người mua lỗ ngay khi vừa sở hữu vàng”, ông Huy nhận định.
Theo ông Huy, giá vàng biến động không theo quy luật ngắn hạn nên "lướt sóng" vàng tiềm ẩn rủi ro cao; phí chênh lệch mua - bán lớn khiến nhà đầu tư dễ mất lợi thế nếu thị trường điều chỉnh. Đó là chưa kể rủi ro chính sách, tức là phía Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp thị trường bất cứ lúc nào, làm đảo chiều xu hướng giá.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với người dân, không nên mua vàng trước hay trong ngày vía Thần tài để mong cầu may. Đây là hình thức mê tín dị đoan, người dân đang tin tưởng vô căn cứ.
"Tôi cho rằng không có may mắn hay tài lộc nào đến chỉ vì mua vàng. Giá vàng được dự báo sẽ rớt mạnh sau ngày vía Thần tài", ông Hiếu nói.
Theo vị chuyên gia , nhiều năm qua dù giá vàng tăng cao nhưng người mua chỉ có lãi khi giữ vài tháng đến một năm. Nếu "lướt sóng" hoặc chỉ giữ trong ngắn hạn, vàng vẫn giảm giá, cộng thêm chênh lệch giá mua và giá bán trong dịp này bị đẩy lên cao đến hơn 3 triệu đồng/lượng, người mua không có lãi, thậm chí bị lỗ.
Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên, đầu tư vàng nên có chiến lược dài hạn, tránh đầu cơ theo phong trào. Chiến lược đầu tư khôn ngoan là đa dạng hóa danh mục, tận dụng cơ hội.