'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân

Admin
Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được xem như bước ngoặt, mở “đường cao tốc” cho kinh tế tư nhân tiến lên. Nghị quyết này được đánh giá là động lực lớn để người dân khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Bài 1: “Nâng cấp” hộ kinh doanh lên tầm mới

Nghị quyết 68 khẳng định, kinh tế tư nhân Việt Nam gồm 940 nghìn doanh nghiệp (DN) và 5 triệu hộ kinh doanh. Nhận thức rõ vai trò của hộ kinh doanh, nhiều giải pháp thiết thực được đưa ra để “nâng cấp” khu vực này như: Bỏ thuế khoán, “số hóa sổ chợ”.

Số hóa “sổ chợ”

Hộ kinh doanh có mặt ở khắp ngõ ngách của nền kinh tế, từ quán phở vỉa hè đến cửa hàng, thương hiệu lâu năm. Từ lâu, con số 5 triệu hộ kinh doanh đã được nhiều bộ ngành nhắc tới nhưng gắn liền với tư duy nhỏ lẻ. Lần đầu tiên, trong Nghị quyết 68, hộ kinh doanh được nhìn nhận đúng với vai trò, vị trí. Trong đó, yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán.

Việc cụ thể hóa quy định xóa thuế khoán với hộ kinh doanh được nêu trong Nghị định 70/2025 về hoá đơn chứng từ.

Cụ thể, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm, hoạt động trong 6 nhóm ngành nghề (gồm: trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ; ăn uống, nhà hàng, khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí; dịch vụ phục vụ cá nhân khác), bắt buộc phải sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền.

'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân- Ảnh 1.

Nhiều hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) sẽ chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai thuế

Là người đã từng kinh doanh ở cả 2 mô hình, anh Trần Văn Bắc - chủ hộ kinh doanh nhà hàng ăn uống tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) lo lắng.

“Nhiều mặt hàng như rau thơm, hành, ớt mua tại chợ, mua trực tiếp của người dân sẽ không có hoá đơn đầu vào. Nếu tôi, chuyển sang mua siêu thị đôi khi không đủ mặt hàng cần thiết hoặc giá cao so với bên ngoài. Điều này sẽ khiến chi phí tăng, đội giá bán nguy cơ mất khách.

Tôi mong cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chúng tôi phát triển thành doanh nghiệp chứ đừng để chúng tôi phải dừng”, anh Bắc nói.

Cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, trong đó gần 2 triệu hộ thuế khoán với mức trung bình hơn 670.000 đồng/hộ/tháng (quý 1/2025). Từ ngày 1/6, khoảng 37.000 hộ kinh doanh trên cả nước kết thúc thuế khoán, chuyển sang kê khai thuế. Năm 2024, cá nhân kinh doanh nộp thuế với số tiền gần 26.000 tỷ đồng.

Cùng băn khoăn, bà Nguyễn Thị Hồng - chủ hộ kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, đã nhận được yêu cầu chuyển sang xuất hoá đơn, kê khai thuế.

Tuy nhiên, ki ốt do 2 vợ chồng già trông nom vì vậy bà sợ gặp khó khăn khi xuất hoá đơn, kê khai thuế.

“Mong cơ quan thuế có giải pháp hỗ trợ để chúng tôi kinh doanh thuận lợi”, bà Hồng nói.

Bà Lê Thị Yến - GĐ Cty TNHH tư vấn thuế Hà Nội cho biết, bộ máy vận hành của nhiều hộ kinh doanh thường chỉ có 1-2 người (gồm chủ hộ và người phụ việc), không kế toán chuyên trách, không có thói quen ghi chép sổ sách kế toán, quản lý thu chi bằng giấy tờ (hoặc không đầy đủ).

“Các hộ, cá nhân kinh doanh nên thay đổi tư duy, thích ứng với quy định thuế mới. Trước hết hộ, cá nhân kinh doanh cần rà soát số liệu tồn kho, công nợ, dòng tiền... làm cơ sở số dư đầu kỳ để đưa vào hệ thống. Hộ kinh doanh cũng tìm hiểu, lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp, đồng bộ, thuận lợi cho việc quản trị sau này”, bà Yến cho biết.

Trong hội nghị hướng dẫn hộ kinh doanh kê khai thuế vừa diễn ra, ông Vũ Mạnh Cường - Phó Cục Thuế cho biết, để hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai, cơ quan thuế phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ với thao tác đơn giản.

“Cơ quan thuế có tờ khai gợi ý, hỗ trợ sổ sách kế toán. Điều này giúp hộ kinh doanh không cần sổ chợ, sổ chép tay, dễ dàng theo dõi chi phí, lợi nhuận để tối ưu hoá và giúp nâng cao uy tín với khách hàng”, ông Cường nói.

Nhiều đơn vị cung cấp phần mềm, dịch vụ kế toán cam kết miễn phí ứng dụng cho hộ kinh doanh kê khai trong 6 tháng đầu tiên sử dụng. Sau đó, chi phí sử dụng phần mềm kế toán trung bình khoảng 200.000 đồng/tháng.

Cơ quan thuế sẽ hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, thay vì lo khó, hộ kinh doanh tìm hiểu quy định và lợi ích của kê khai thuế. Nếu trước đây theo thuế khoán, hộ kinh doanh không đạt ngưỡng doanh thu kê khai vẫn phải nộp đủ thuế đã đăng ký. Khi chuyển sang kê khai, hộ kinh doanh sẽ chỉ khai đúng số thuế của doanh thu hàng ngày.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế đang chuyển đổi phương pháp quản lý hộ kinh doanh từ truyền thống sang quản lý tự động hóa thông qua công tác chuyển đổi số và dữ liệu lớn. Cơ quan thuế đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, đặc biệt là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng, lưu trú.

Theo lãnh đạo Cục thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không chỉ giúp minh bạch hóa giao dịch, giảm chi phí, mà còn hỗ trợ người nộp thuế quản lý hiệu quả, tra cứu dễ dàng và nâng cao uy tín với khách hàng.

Dữ liệu hóa đơn chuyển đến cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử, đảm bảo tính chính xác và kịp thời; nâng cao uy tín của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thể hiện sự chuyên nghiệp, hiện đại.

Ông Lê Hồng Quang - Tổng GĐ Cty Misa cho biết, việc tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70 là bước quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của khối kinh tế tư nhân phát triển minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Áp dụng hóa đơn điện tử giúp kê khai thuế, kinh doanh hiệu quả hơn và cũng có thể góp phần hỗ trợ người kinh doanh vay vốn từ ngân hàng .

Cơ quan thuế trên cả nước đã và đang hướng dẫn hộ kinh doanh chuyển đổi để nâng cấp. Ông Lê Ngọc Huy - Trưởng phòng thuế cá nhân, hộ kinh doanh và thu khác (Chi cục Thuế khu vực I) cho biết, cơ quan thuế tuyên truyền hộ kinh doanh chủ động kê khai và chuyển đổi.

Bên cạnh đó, nhằm chống thất thu thuế, cơ quan chức năng đưa ra giải pháp như so sánh hoá đơn đầu vào, xác định dòng tiền, xác định từ bên thứ 3 (như trung gian vận chuyển) để xác định doanh thu.

Bà Phạm Chi Lan: Thoát vị thế “nhặt vụn bánh”

Trước tới nay, chúng ta vẫn nói, doanh nghiệp (DN) tư nhân không chịu lớn và không muốn lớn. Tuy nhiên, nói thật, có ai không muốn lớn nhưng có được phép lớn hay không, ai cho lớn? Bởi lẽ, nguồn lực do nhà nước phân bổ, hầu hết rơi vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN đầu tư nước ngoài (FDI).

Các chính sách ưu đãi, DNNN số một, FDI số 2. Nhiều người ví von, trong chiếc bánh thị trường, chỉ có vụn bánh dành cho DN tư nhân. Người nhặt vụn bánh không bao giờ lớn được. Vì vậy, việc trả lại cho DN tư nhân đúng vị trí, được đối xử công bằng so với các thành phần khác, kinh tế tư nhân mới phát triển được.

Nghị quyết 68 đã nêu, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% lao động.

Khi được công nhận đúng vai trò, khu vực tư nhân trong nước sẽ có thể cùng DNNN, FDI góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng. Nghị quyết 68 là công cụ vô cùng quan trọng để định hướng điều chỉnh chiến lược kinh tế. Đây cũng là dịp để chúng ta tổng rà soát, xây dựng chiến lược mới cho kinh tế Việt Nam.

TS Nguyễn Đình Cung: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Lâu nay, doanh nghiệp (DN) kinh doanh có nỗi lo gặp rủi ro pháp lý, không chỉ xử phạt hành chính mà còn xử lý hình sự. Các quy định pháp luật nằm ở nhiều luật lệ khác nhau, chồng chéo, mâu thuẫn. Nhiều khi tuân thủ được luật này, vi phạm hoặc sai với luật khác.

Quy mô DN càng lớn, rủi ro càng cao. Một trong những rủi ro có thể dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi bị truy cứu hình sự, doanh nhân không chỉ mất tài sản, sự nghiệp của cá nhân họ, gia đình, anh em, họ hàng cũng bị ảnh hưởng nên người kinh doanh rất sợ. Việc không hình sự hoá quan hệ kinh tế đã được Đảng đưa ra từ Nghị quyết 41/NQ/TW ngày10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 68 đã cụ thể hoá những điều chưa từng có về chủ trương không hình sự hoá quan hệ kinh tế.

Nội dung trong nghị quyết phân biệt rõ giữa thể nhân và pháp nhân, tức là phân biệt rõ pháp nhân của giám đốc và DN. Giám đốc vi phạm trách nhiệm của cá nhân, không kéo DN vào. Niêm phong tài sản của cá nhân chứ không niêm phong tài sản, trụ sở DN. Sẽ không còn câu chuyện niêm phong cả nhà máy làm vật chứng. Trong phân biệt chủ thể, cá nhân phân biệt tài sản hợp pháp và tài sản có từ vi phạm, không phải kê biên toàn bộ. Điều này giúp tránh thiệt hại cho cá nhân, DN.

TS Trần Đình Thiên: Đặt kinh tế tư nhân đúng vai trò, vị thế

Nghị quyết 68 là điểm đột phá, được coi là động lực thay đổi quan trọng nhất đối với kinh tế tư nhân từ trước đến nay. Nghị quyết đã thể hiện sự thay đổi căn bản thái độ, quan điểm đối với kinh tế tư nhân. Đặt kinh tế tư nhân đúng vai trò, đúng vị thế mà đất nước cần.

Quỳnh Nga - Nghiêm Huê (ghi)