Cặp vợ chồng cưới tay trắng, 6 năm sau ôm 30 cây vàng chỉ nhờ thói quen ít ai làm được

Admin
Nhiều người đã hình thành thói quen mua vàng hàng tháng như một cách tự tạo cho mình tấm đệm an toàn trước các khó khăn.

Có thể bạn chưa từng nghĩ tới chuyện mua vàng đều đặn mỗi tháng. Với nhiều người, đó là việc “xa xỉ” dành cho những lúc dư dả tiền bạc hoặc khi có sự kiện lớn như cưới hỏi. Nhưng với một số gia đình, thói quen mua vàng hàng tháng trở thành điều nhất định phải có trong quản lý tài chính - như một cách tự tạo cho mình tấm đệm an toàn trước các khó khăn.

Mỗi tháng chỉ cần mua đủ vàng là vui

Lan (SN 1991) và chồng mình cưới nhau vào năm 2018. Lúc đó, cả hai đều mới đi làm được vài năm, chưa có tài sản gì ngoài một khoản tiết kiệm chung khoảng 50 triệu đồng. Thay vì đem số tiền đó gửi ngân hàng như thông thường, chồng Lan đề nghị mỗi tháng dùng 3-5 triệu đồng để mua vàng. Có tháng chỉ đủ mua 1 chỉ, có tháng mua được 2 chỉ. Cứ đều đặn như vậy trong suốt 6 năm qua, giờ họ đã có gần 30 cây vàng.

“Mình gọi đó là quỹ phòng thân. Vàng được cất kỹ trong két sắt, không đụng đến. Đã có lúc nhà cần tiền, nhưng hai vợ chồng vẫn quyết giữ nguyên số vàng đó. Vì một khi đã bán ra thì rất khó mua lại”, Lan chia sẻ.

Cặp vợ chồng cưới tay trắng, 6 năm sau ôm 30 cây vàng chỉ nhờ thói quen ít ai làm được- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Điều thú vị là hai người không hề cảm thấy áp lực phải mua nhiều. Họ mua theo khả năng, miễn là mỗi tháng đều góp được một chút. Thói quen này giống như việc gửi tiết kiệm, nhưng khác ở chỗ: Vàng có thể cầm trong tay và... khó tiêu hơn tiền mặt.

Một trường hợp khác, Thảo (SN 1993) và chồng từng là những người rất mê công nghệ. Cứ 1–2 năm, cặp đôi lại đổi điện thoại, nâng cấp máy tính. Nhưng từ khi có con, họ quyết định thay đổi ưu tiên.

“Chúng mình ngồi lại, tính toán và thấy rằng một chiếc điện thoại mới không mang lại giá trị lâu dài. Thay vào đó, mỗi tháng hai vợ chồng dành khoảng 2 triệu đồng để mua vàng. Số tiền này trước đây thường dành để ăn nhà hàng, mua đồ công nghệ mới, giờ mình gom lại để tích trữ.”

Không chỉ vậy, vợ chồng Thảo còn chọn tặng nhau vàng vào các dịp sinh nhật, kỷ niệm cưới, thay vì hoa hoặc quà thời trang. “Mỗi món vàng ấy đều có kỷ niệm riêng, và theo thời gian, chúng cũng trở thành tài sản.”

Trong khi đó, Phương (SN 1997) - nhân viên thiết kế đồ hoạ, đã bắt đầu mua vàng từ khi còn là sinh viên. “Mình đi làm thêm, mỗi tháng dư ra khoảng 1 triệu đồng là gom mua vàng. Ban đầu chỉ là 5 phân, sau đó là 1 chỉ. Nhìn số vàng tăng lên mỗi năm, cảm giác thật sự khác biệt”, Phương kể.

Cô bạn chia sẻ rằng chính việc “có vàng trong tay” đã giúp bản thân bớt tiêu xài linh tinh. Cầm tiền mặt thì lúc nào cũng thấy có thể tiêu được, nhưng khi số tiền ấy đã hóa thành vàng, tự dưng mình sẽ có cảm giác “đã chuyển hóa thành tài sản”, và không nỡ bán ra trừ khi cực kỳ cần thiết.

“Lúc giá vàng tăng mạnh, mình nhìn lại số vàng nhỏ mình có và cảm thấy rất vui. Không phải vì mình lãi nhiều, mà vì mình thấy mình đã kiên nhẫn và giữ vững được một thói quen tốt suốt mấy năm trời”, Phương chia sẻ.

Cặp vợ chồng cưới tay trắng, 6 năm sau ôm 30 cây vàng chỉ nhờ thói quen ít ai làm được- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Lời khuyên từ những người chơi vàng lâu năm

Phương từng có thời gian thích vàng có hoa văn, kiểu cách nhưng rồi nhận ra mỗi lần bán lại thì bị trừ khá nhiều tiền công. “Từ sau đó, mình chỉ chọn vàng nhẫn tròn trơn hoặc vàng miếng SJC. Những loại này dễ bán, dễ giữ và ít mất giá,” Phương nói.

Cả Lan và Thảo cũng đồng tình: Vàng để đầu tư thì càng đơn giản càng tốt. Đừng chọn loại quá cầu kỳ, vì sau này có khi bán lại còn lỗ.

Phương cũng nhấn mạnh: “Có thời gian mình chỉ mua được 5 phân, nhưng không sao hết. Miễn là mỗi tháng mình đều tích được một chút, thì tổng lại cả năm cũng là đáng kể rồi. Nhiều người nghĩ rằng phải có thật nhiều tiền mới nên đầu tư vàng, nhưng thực tế, những người giữ được thói quen mua ít, lại là những người tích lũy được nhiều nhất”.

Trong khi đó Thảo khuyên chỉ nên mua vàng bằng tiền nhàn rỗi. Nếu tháng đó có việc cần chi gấp, vợ chồng cô nàng sẽ không vàng. “Mua vàng không phải để ăn thua, mà là để tích lũy. Nếu phải vay nợ hoặc dùng thẻ tín dụng để mua vàng, thì đó không còn là tích lũy nữa mà đã biến thành đầu cơ. Và đầu cơ mà thiếu kiến thức thì rất dễ mất kiểm soát”, Thảo bộc bạch.

Còn Lan cho hay, có tháng vợ chồng cô nàng thấy giá vàng cao ngất nên ngần ngừ không mua. Nhưng rồi sau đó họ lại thấy mình lỡ mất cơ hội vì giá vàng tăng cao. Cuối cùng họ thống nhất là mua vàng nhưng không cần quan tâm đến giá từng thời điểm. Họ cứ đều đặn mỗi tháng mua vàng một ít, lâu dài sẽ có kết quả.

“Việc mua vàng giống như gửi tiết kiệm, nếu như mình cứ chờ đúng ‘thời điểm vàng’ mới hành động thì rất dễ bỏ cuộc”, Lan chia sẻ.