Từ ngày 8 - 12/5/2025, sự kiện thường niên “Những ngày Văn học Châu Âu” trở lại với độc giả yêu văn chương tại Hà Nội. Chuỗi chương trình với những hoạt động đa dạng từ tọa đàm thảo luận văn chương, workshop dành cho cây viết trẻ sẽ tập trung xung quanh chủ đề văn học di dân, đặc biệt là những sáng tác của các nhà văn Châu Âu gốc Việt như: Maik Cây, Cecile Pin, Khuê Phạm, Vanessa Vũ, Anna Moi...
Lần đầu tiên ra mắt khán giả yêu văn chương vào năm 2011, Những ngày Văn học Châu Âu đã trở thành chương trình thường niên quen thuộc dành cho khán giả yêu văn chương tại Việt Nam và góp phần quan trọng vào những đối thoại về văn hóa nói chung và văn học nói riêng giữa Châu Âu và Việt Nam. Năm 2025 đánh dấu nhiều mốc kỷ niệm quan trọng giữa Châu Âu và Việt Nam, với những lễ kỷ niệm như 35 năm Quan hệ Việt Nam – Liên minh Châu Âu, 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Czech, và 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức.
Để kỷ niệm một năm với nhiều dấu mốc quan trọng này, cũng như nhằm tiếp nối truyền thống đối thoại và giao lưu văn chương giữa Việt Nam và Châu Âu, Những ngày Văn học Châu Âu năm nay lấy chủ đề “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân Châu Âu”, khám phá hành trình sáng tác của các nhà văn gốc Việt tại châu lục này.

Nữ nhà văn - nhà báo Vanessa Vũ chia sẻ trong sự kiện
Văn học di dân nói chung và văn chương của những nhà văn Châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn Châu Âu. Ở đó, những câu chuyện đa dạng về những trăn trở của cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, về những hành trình đạt đến sự công nhận, góp phần làm nên một nền văn chương Châu Âu đa dạng và đa thanh. Và không chỉ đem đến những tự sự và những góc nhìn mới, những nhà văn di dân gốc Việt còn góp phần mở rộng phạm vi của văn chương. Theo đó, văn chương không chỉ là tiểu thuyết và thơ ca, mà thông qua những thực hành của họ, ta còn thấy cả những điểm giao với sân khấu, trình diễn, điện ảnh, báo chí, podcast,...

Nhà văn gốc Việt - Anna Moi
Những Ngày Văn học Châu Âu 2025 – “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân Châu Âu” - sẽ mang đến cho khán giả yêu văn chương tại Việt Nam những câu chuyện và góc nhìn của các cây viết gốc Việt nổi bật của văn chương Châu Âu đương đại. Sau khi kết thúc hành trình với khán giả yêu văn chương tại TP. Hồ Chí Minh và Huế, từ ngày 8 – 12 tháng 5, các nhà văn được mời bởi các Viện văn hóa Đức (Goethe-Institut), Pháp (Institut français), Anh (British Council) cùng Đại sứ quán Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech và Ý sẽ có mặt ở Hà Nội để cùng thảo luận những chủ đề văn học khác nhau: từ câu chuyện về những trăn trở và suy tư góp phần làm nên những diện mạo đặc trưng của văn học di dân, đến những vấn đề về giới trong sáng tác. Đặc biệt, độc giả yêu văn chương và các cây viết trẻ sẽ có dịp trao đổi gần gũi hơn với các nhà văn thông qua những buổi trò chuyện văn chương, hay các workshop viết nhằm đặt ra những thảo luận về sáng tạo văn chương dưới góc nhìn liên ngành.
Đây không chỉ là dịp tiếp cận những tác phẩm đặc sắc từ các cây viết gốc Việt tại trời Âu, mà còn là dịp để độc giả trong nước nhìn lại chính mình trong mối quan hệ với ngôn ngữ, bản sắc, và những câu chuyện chưa từng được kể.
Văn học, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trở thành một vùng đất không biên giới – nơi ngôn từ không bị giới hạn bởi quốc tịch hay lãnh thổ, mà được truyền đi bởi trải nghiệm sống, bởi ký ức và khát vọng cá nhân. Những nhà văn di dân gốc Việt là minh chứng rõ nét cho điều đó. Họ viết bằng tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, nhưng mỗi câu chuyện đều mang theo dấu vết của quê hương, gia đình và lịch sử Việt Nam.
Sự trở lại của “Những ngày Văn học Châu Âu” tại Hà Nội không chỉ gợi mở nhiều cuộc gặp gỡ văn chương thú vị, mà còn cho thấy sức sống bền bỉ của văn học trong vai trò một không gian đối thoại văn hóa – giữa các quốc gia, các thế hệ và các cách nhìn thế giới.