Chạy nước rút cho Vành đai 3

Admin
Vượt qua các khó khăn về nguồn vật liệu, nhiều đoạn trên cao của Vành đai 3 TP HCM sẽ thông xe và thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay

Trưa 11-7, cái nắng gay gắt trong tháng 7 vẫn không làm dịu đi nhịp độ hối hả trên công trường Vành đai 3 đoạn qua TP HCM. Tiếng máy móc rền vang, tiếng thép va chạm, tiếng hô gọi giữa các tốp công nhân tạo nên bức tranh thi công sôi động trải dài suốt nhiều kilomet.

Từng đoạn đường đã dần thành hình

Tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua TP HCM có chiều dài khoảng 47 km, riêng TP Thủ Đức (cũ) chiếm gần 14 km. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang được khẩn trương hoàn thiện từng ngày.

Chạy nước rút cho Vành đai 3- Ảnh 1.

Đoạn Vành đai 3 đi qua khu đô thị Vinhomes Grand Park, những dầm cầu bê-tông dài hàng chục mét đã được lắp đặt nối tiếp nhau, tạo thành mạch tuyến liền mạch trên cao. Ảnh: NGỌC QUÝ

Tại nút giao Tân Vạn, không khí làm việc đặc biệt khẩn trương. Hàng chục máy móc thi công liên tục không ngơi nghỉ. Máy múc đào lớp đất đỏ sâu cả mét, xe bồn bê-tông nối nhau chờ đổ trụ, từng giàn giáo vươn cao giữa công trường bụi mù.

"Đây là nút giao quan trọng nhất toàn tuyến, thuộc gói thầu XL1, dài khoảng 2,4 km, thiết kế 3 tầng với 5 nhánh cầu. Nút giao này kết nối hàng loạt tuyến đường trọng điểm như Quốc lộ 1A, ĐT743A, Nguyễn Xiển, lại nằm ở cửa ngõ từ Đồng Nai vào TP HCM. Áp lực tiến độ tại đây là cực lớn" - một kỹ sư trên công trường cho biết trong khi mắt không rời khỏi bản vẽ và điện thoại liên lạc nội bộ.

Trán lấm tấm mồ hôi giữa cái nắng gay gắt, anh Ngọc Huy (42 tuổi, công nhân phụ trách hàn thép cho dầm cầu) chia sẻ: "Tôi và anh em ở đây làm xuyên trưa, không nghỉ tay. Không khí làm việc căng như dây đàn vì ai cũng biết đây là đoạn trọng yếu, phải chạy hết tốc lực mới kịp tiến độ. Các tổ đội thay nhau làm việc 3 ca, có đêm vẫn thấy ánh đèn công trường sáng rực như ban ngày".

Cách nút giao Tân Vạn khoảng 8 km, đoạn đi qua khu đô thị Vinhomes Grand Park, sự chuyển mình của Vành đai 3 rất rõ rệt. Những dầm cầu bê-tông dài hàng chục mét đã được lắp đặt nối tiếp nhau, tạo thành mạch tuyến liền mạch trên cao.

"Hồi đầu năm, tôi còn thấy bãi đất trống, vài cái trụ lẻ loi. Giờ thì một tuyến đường hiện đại đang hình thành. Nhìn thấy từng nhịp cầu gác lên nhau mà mừng vui" - bà Trần Thị Loan, sống gần khu vực này, nói.

Tương tự, tại gói thầu XL7 trên đường Lê Quang Đạo (xã Hóc Môn), hàng chục mố trụ cầu sừng sững nối tiếp nhau, trong khi vài tháng trước chỉ có vài ba mố trụ được dựng lên. Gói thầu XL8 - xây dựng cầu vượt TL9 dài 7,4 km (trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Bà Điểm), các mố trụ cầu đã hoàn tất xây dựng và lao dầm. Đây là một trong các gói thầu thi công vượt tiến độ do không gặp khó khăn về nguồn vật liệu.

Tăng tốc, thông xe đồng bộ nhiều đoạn

Chia sẻ tiến độ dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư dự án Vành đai 3 TP HCM) thông tin dự kiến đến ngày 31-12-2025 sẽ thông xe kỹ thuật 14,7 km phần cầu cạn trên địa bàn TP Thủ Đức (cũ) và thông xe kỹ thuật 32,6 km phần cao tốc trên địa bàn huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh (cũ). Phấn đấu đến ngày 30-6-2026 sẽ thông xe toàn bộ dự án thành phần 1, đường Vành đai 3 TP HCM.

"Đến nay, tiến độ các gói thầu xây lắp và bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản bảo đảm. Cụ thể, 14 gói thầu xây lắp, trong đó 10 gói xây lắp chính, đang triển khai thi công, khối lượng đạt khoảng 41%. Riêng 4 gói thầu phục vụ vận hành đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật để trình Sở Xây dựng thẩm định. Tính đến tháng 6-2025 đã giải ngân 7.848 tỉ đồng" - đại diện chủ đầu tư chia sẻ.

Về nguồn vật liệu cung cấp cho dự án, Ban Giao thông hiện đã có 13/13 mỏ cát tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long được cấp phép. Các đơn vị thi công đang vận chuyển cát san lấp về công trường. Ban Giao thông chỉ đạo các nhà thầu chủ động huy động thêm nguồn cát thương mại để bảo đảm tiến độ dự án.

Cũng theo đại diện Ban Giao thông, các nhà thầu được yêu cầu tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" bù lại tiến độ đã chậm, áp dụng các giải pháp kỹ thuật rút ngắn thời gian thi công, như công tác xử lý đất yếu; điều chỉnh biện pháp bấc thấm gia tải bằng bơm hút chân không hoặc CDM tại các vị trí có chiều sâu xử lý đất yếu lớn…

Còn theo ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Long An (tỉnh Tây Ninh), dự án đường Vành đai 3 TP HCM qua tỉnh Tây Ninh phấn đấu hoàn thành cuối năm 2025, đến nay đã đạt giá trị sản lượng gần 71% kế hoạch.

Chạy nước rút cho Vành đai 3- Ảnh 2.

Dự án đường Vành đai 3 TP HCM qua tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành và bàn giao nhánh kết nối tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG

Điển hình, tại gói thầu XL1 xây dựng tuyến chính cao tốc thuộc phân đoạn Km85+200 - Km88+766, đã hoàn thành thi công đường công vụ, xử lý xong nền đất yếu; hoàn thành khoan cọc… Đối với cầu Rạch Rích, nhà thầu thi công hoàn thành kết cấu phần dưới, cung cấp lao lắp dầm, hoàn thiện đổ bê-tông bản mặt cầu... Đến nay, gói thầu này đạt 77,9%.

Gói thầu XL2 xây dựng cầu Tân Bửu tuyến chính cao tốc, tuyến song hành nhánh trái và đường song hành từ đường Tỉnh 830C đến nút giao thuộc phân đoạn Km88+766 - Km90+472, các nhà thầu đã thi công hoàn thành hệ thống cọc khoan nhồi tuyến cao tốc và bệ mố, trụ cầu…, đạt khoảng 75,4%.

Gói thầu XL3 xây dựng nút giao cuối tuyến thuộc phân đoạn Km90+472 - Km91+568, hiện các nhà thầu hoàn thành đắp cát K95 tuyến cao tốc, đang thi công hoàn thiện đắp cát K98 đạt khối lượng 3.486/4.609,12 m3. Đồng thời, thi công hoàn thành cầu vượt ngang Vành đai 3, hoàn thành bê-tông cầu, lan can cầu quay đầu... Nhánh ramp A kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đã hoàn thành bàn giao cho đơn vị quản lý đường cao tốc để thông xe.

Dự án Vành đai 3 qua tỉnh Tây Ninh khởi công tháng 6-2023, có chiều dài 6,8 km, tổng mức đầu tư 4.208 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 1.168 tỉ đồng. 

Thông xe toàn tuyến trong năm 2026

Dự án đường Vành đai 3 TP HCM được khởi công từ giữa năm 2023, đi qua 4 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương (cũ), Đồng Nai và Long An (cũ), tổng chiều dài 76 km. Đoạn TP HCM có 5 gói thầu chính. Mục tiêu là thông tuyến kỹ thuật vào cuối năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ trong năm 2026.

Nhà thầu chịu trách nhiệm, nếu vi phạm hợp đồng

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường vừa có văn bản đề nghị Ban Giao thông và các nhà thầu khẩn trương triển khai các giải pháp, bảo đảm đúng tiến độ thông xe, thông xe kỹ thuật các gói thầu theo yêu cầu.

Cụ thể, chủ đầu tư phải lập tiến độ từng gói thầu xây lắp, đánh giá tính khả thi và cam kết của các nhà thầu thi công - nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư. Tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công hoàn thành cầu kênh Thầy Thuốc để thông xe kỹ thuật vào tháng 12-2025, đồng bộ với dự án thành phần 7 của tỉnh Tây Ninh.

Song song đó, Ban Giao thông phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện thông xe đồng bộ một số hạng mục thuộc gói thầu XL1 kết nối với cầu Nhơn Trạch vào tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Riêng Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản thông xe đoạn cầu cạn phía Đông, thông xe kỹ thuật toàn tuyến đoạn qua thành phố, bảo đảm đồng bộ với các địa phương mà dự án đi qua. Trong đó, nghiên cứu bổ sung các nhánh cầu của nút giao Tân Vạn vào dự án thành phần 1, bổ sung cầu Bình Gởi, đường song hành.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Dương được giao tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công dự án thành phần 5 dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Trong đó, hoàn thành phần lõi tuyến cao tốc qua nút giao Tân Vạn trong năm 2025, bảo đảm đồng bộ với đoạn cao tốc phía Đông của dự án thành phần 1, đáp ứng đúng các mốc tiến độ theo yêu cầu.