Chốt thời điểm động thổ "siêu dự án" đường sắt hơn 8,3 tỷ USD Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Bộ Xây dựng nhận nhiệm vụ then chốt

Admin
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án, đặc biệt trong công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi...
Chốt thời điểm động thổ

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 342/TB-VPCP ngày 2/7/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án trong thời gian vừa qua; đặc biệt hoan nghênh các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai trước một bước công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Phó Thủ tướng khẳng định đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao; trước mắt tập trung hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; lựa chọn một số hạng mục quan trọng (nhà ga, khu tái định cư) để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi động trong năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2025.

Bộ Xây dựng tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án, đặc biệt trong công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đàm phán Hiệp định vay vốn cho dự án; tiếp tục làm việc với các địa phương để thống nhất quy mô, hướng tuyến làm cơ sở triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án; chủ động hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án.

Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn địa phương chủ động ứng vốn hoặc hỗ trợ tạm ứng vốn hoặc đề xuất phương án điều tiết ngân sách hợp lý cho các địa phương có khó khăn để đảm bảo tiến độ; phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, thống nhất kế hoạch vốn ngân sách trung ương, bảo đảm bố trí kịp thời, đủ, đúng đối tượng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa theo quy định và cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép.

Các địa phương có dự án đi qua khẩn trương hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, lập phương án bồi thường, tái định cư, phê duyệt theo thẩm quyền; chủ động ứng vốn ngân sách địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Trường hợp địa phương khó khăn về vốn khẩn trương gửi Bộ Tài chính nhu cầu vốn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương lựa chọn các khu tái định cư, nhà ga có khả năng khởi công đúng tiến độ, gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai, các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, giải pháp tháo gỡ và kế hoạch triển khai Dự án trong thời gian tới; lưu ý, cần báo cáo rõ thời điểm và các hạng mục dự kiến khởi công năm 2025.

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 419km có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (TP. Hải Phòng).

Dự án đi qua 9 tỉnh, thành phố, dự kiến khởi công vào tháng 12/2025 với tổng mức đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD. Đây là tuyến đường sắt khổ rộng, tốc độ 160 km/h, có thể dễ dàng kết nối với đường sắt Vân Nam (Trung Quốc).

Trên tuyến sẽ bố trí 31 ga, trong đó có 3 ga đặc biệt lớn là ga Lào Cai (60 ha), Yên Thường (Hà Nội, 57 ha) và ga Nam Hải Phòng (51 ha). 3 ga này nằm ở vị trí quan trọng, ở điểm đầu, điểm gần cuối và trung tâm của tuyến đường.

Khi hoàn thành, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế do vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn, giảm chi phí sản xuất và kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ dọc tuyến. Hơn thế nữa, nó còn giúp kết nối vùng miền, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển du lịch.