Chủ tịch Tập đoàn Sông Thao lý giải điều không ngờ trong chính sách giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp SME

Admin
Chính sách giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu đang được kỳ vọng là “cú huých” tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vượt qua rào cản chi phí cố định.
Chủ tịch Tập đoàn Sông Thao lý giải điều không ngờ  trong chính sách giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp SME- Ảnh 1.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15, trong đó quy định chính sách hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ. Theo nhận định của các chuyên gia, chính sách này sẽ góp phần giảm áp lực tài chính ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng suất.

Chia sẻ quan điểm về chính sách mới, ông Hoàng Công Đoàn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sông Thao cho biết, tính đến quý I/2024, cả nước có gần 450 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 93.000 ha. Giá thuê đất trung bình tại miền Bắc đã đạt 133 USD/m2/niên hạn, trong khi miền Nam là 189 USD/m2/niên hạn – tăng từ 5 đến 7% so với cùng kỳ năm trước và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024.

Trong bối cảnh này, chi phí thuê đất trở thành gánh nặng đáng kể với SME – nhóm doanh nghiệp vốn có năng lực tài chính hạn chế và khả năng tiếp cận tín dụng thấp. Theo Chủ tịch Tập đoàn Sông Thao, riêng khoản chi thuê đất có thể chiếm trên 10% tổng vốn đầu tư ban đầu của một SME sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch mở rộng, đổi mới hoặc thu hút vốn.

Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù đang đề xuất giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho SME thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hoặc hoạt động trong các khu công nghiệp quy hoạch sẵn. Phần chênh lệch sẽ được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư hạ tầng, giữ nguyên sức hút đầu tư khu công nghiệp.

Ông Hoàng Công Đoàn dẫn chứng: “Với một doanh nghiệp SME có doanh thu 10 tỷ đồng/tháng và biên lợi nhuận 10%, việc giảm chi phí thuê đất giúp tăng dòng tiền tự do thêm 78 triệu đồng/tháng – tương đương mức cải thiện hơn 10,5%. Đây không chỉ là khoản tiết kiệm, mà còn là đòn bẩy để mở rộng tín dụng, tái đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.”

Thậm chí, nếu quy đổi mức tiết kiệm đó thành khoản vay ưu đãi 2%/năm, SME có thể tiếp cận khoản vốn tới 5,3 tỷ đồng – một nguồn lực rất đáng kể để đầu tư máy móc, mở rộng dây chuyền hoặc nâng quy mô sản xuất.

Việc kiểm soát chi phí thuê đất không chỉ tăng khả năng tích lũy vốn cho doanh nghiệp mà còn giúp cải thiện tỷ lệ vốn chủ sở hữu – yếu tố then chốt trong mắt các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) hoặc quỹ đầu tư tư nhân (PE). Khi biên lợi nhuận được cải thiện nhờ tiết kiệm chi phí cố định, khả năng gọi vốn của SME cũng được nâng lên đáng kể.

Ngoài ra, khi kết hợp với các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tổng lợi ích tài chính có thể tạo ra dòng vốn hàng chục triệu USD đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn Sông Thao lý giải điều không ngờ  trong chính sách giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp SME- Ảnh 2.

Tuy nhiên, ông Hoàng Công Đoàn cho rằng, chính sách giảm 30% tiền thuê đất vẫn đối mặt với không ít thách thức.

Thứ nhất, chính sách hiện chỉ nhắm tới các SME công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, khiến phần lớn SME sản xuất truyền thống – chiếm đa số – bị loại khỏi phạm vi hỗ trợ.

Thứ hai, việc phân bổ 5% quỹ đất (tối đa 20 ha/khu) dành riêng cho SME đang bị chi phối bởi các cơ chế “xin – cho”, thiếu tiêu chí rõ ràng, dẫn đến nguy cơ trục lợi và bất công.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa đủ kỹ năng tài chính để lập kế hoạch đầu tư, dự báo dòng tiền, hoặc tận dụng tối đa các ưu đãi.

Thứ tư, việc xin thuê đất, cấp phép và hoàn tất hồ sơ vẫn liên quan tới nhiều cơ quan khác nhau, với thời gian xử lý có thể kéo dài đến 6 tháng – ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư.

Để chính sách thật sự phát huy hiệu quả, ông Đoàn kiến nghị cần áp dụng mô hình “One-Stop Shop” như quốc tế đang làm, giúp rút ngắn quy trình xét duyệt xuống dưới 15 ngày và giảm 30% chi phí hành chính. Việt Nam cũng cần xây dựng nền tảng số tập trung, quản lý xuyên suốt quy trình thuê đất và cấp phép.

Bên cạnh đó, việc đào tạo tài chính chuyên sâu cho SME và cần xây dựng hệ thống chỉ số hiệu quả rõ ràng như số SME hưởng chính sách, mức tăng trưởng doanh thu, cải thiện dòng tiền, quy mô đầu tư mở rộng… để theo dõi thực thi chính sách sát sao.

Ông Đoàn cũng nhấn mạnh vai trò của tư nhân trong đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo mô hình PPP, giảm gánh nặng ngân sách và tăng chất lượng dịch vụ. Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai và sớm ban hành nghị định hướng dẫn sẽ giúp đảm bảo chính sách được triển khai đúng đối tượng, đúng mục tiêu và đúng thời gian.