Tổng công ty Khoáng sản TKV (MIVICO, HNX: KSV), vừa tiến hành tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2025, trong đó có thông tin về một số nội dung quan trọng liên quan tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Theo đó, trong năm 2024 KSV ghi nhận doanh thu 13.287 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.219 tỷ đồng. Trong đó, nhiều công ty con có lợi nhuận khả quan như: Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên lãi hơn 86 tỷ đồng, Công ty CP Khoáng Sản và Luyện kim Cao Bằng lãi hơn 11 tỷ đồng, Công ty CP Khoáng sản lãi 7,8 tỷ đồng... Một số công ty liên kết cũng có kết quả tương đối thuận lợi như: Công ty xi măng Tân Quang lãi 44 tỷ đồng, Công ty đá quý và Vàng Hà Nội lãi hơn 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong bức tranh kết quả kinh doanh thuận lợi của "nhà" KSV, thì một số công ty con của KSV có kết quả kinh doanh không như ý. Cụ thể, năm 2024 Công ty CP Gang thép Cao Bằng báo lỗ hơn 160 tỷ đồng, Công ty CP Gang thép Lào Cai lỗ 2,6 tỷ đồng,... Đáng chú ý trong đó, Công ty CP Đất hiếm Lai Châu lỗ hơn 42 tỷ đồng, đây là đơn vị sở hữu mỏ đất hiếm Đông Pao, Lai Châu được đánh giá có trữ lượng lớn nhất cả nước, với tổng trữ lượng địa chất quy khô ước tính trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước.
Về khó khăn thua lỗ tại khoản đầu tư khai thác đất hiếm tại Lai Châu, KSV cho biết công ty đầu tư hơn 190 tỷ đồng, tương đương 55% cổ phần vào Công ty CP Đất hiếm Lai Châu. Mục tiêu nhằm thăm dò, khai thác đất hiếm tại mỏ Đông Pao Lai Châu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn về công nghệ chế biến, thu xếp vốn, đối tác đầu tư,... cùng với vướng mắc trong việc chấp thuận của Nhà nước trong việc nghiên cứu mẫu công nghệ. Hiện công ty này còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 110 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2024, KSV ghi nhận tổng tài sản đạt 9.613 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn 4.569 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 4.403 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của KSV đạt mốc 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vốn góp ban đầu của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam với tỉ lệ nắm giữ trên 98%.
Cũng theo Nghị quyết đại hội cổ đông, dự kiến KSV chi cổ tức năm 2024 với tỉ lệ 15% tương đương mức chi khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối đạt mức 1.362 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, KSV dự kiến có tổng mức đầu tư 4.980 tỷ đồng, bằng 135 % giá trị khối lượng so với giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung vào một số dự án trọng điểm: Mở rộng nâng công suất mỏ đồng Sin Quyền; Đầu tư dây chuyền cán thép tại khu LHGT Cao Bằng; Khai thác chế biến quặng đất hiếm Đông Pao, Lai Châu; Mở rộng nâng công suất khai thác mỏ Vi Kẽm...
Đồng thời, tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khai thác đồng phần sâu Sin Quyền và khu Đông Nam Sin Quyền; đồng Lùng Thàng phù hợp với Quy hoạch ngành, Chiến lược phát triển lĩnh vực khoáng sản của TKV tại khu vực Lào Cai tại Quyết định số 1404/QĐ-TKV ngày 22/8/2023.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, vật liệu đất hiếm là một phần thiết yếu của nhiều thiết bị công nghệ cao. Kim loại đất hiếm và hợp kim có chứa chúng được sử dụng trong các lĩnh vực như hàng không, quốc phòng, công nghiệp vũ trụ và y sinh...