Độc thân cũng tốn 20-30 triệu đồng ăn Tết, tiết kiệm tiền thế nào?

Admin
Nhiều người trẻ chuẩn bị tài chính kỹ càng từ giờ để không gặp áp lực trong những ngày Tết.

Hội độc thân dự tính chi 20-30 triệu đồng cho Tết

Quốc Việt (27 tuổi, TP. Hà Nội) cho biết, năm nào anh cũng dự tính chi trên 20 triệu đồng cho mùa Tết âm lịch. Anh chàng chia chi tiêu cho Tết thành 3 khoản: khoản dành cho bản thân, khoản dành cho công việc và khoản dành cho gia đình.

Anh chàng chia sẻ: "Mình dành 10 triệu đồng cho chi tiêu cá nhân (5 triệu đồng di chuyển, 3 triệu đồng mua đồ sắm sửa cho bản thân và chi phí phát sinh, 2 triệu đồng mừng tuổi họ hàng). Khoản chi tiêu dành cho công việc là 4 triệu đồng (2 triệu đồng mua quà biếu sếp, 2 triệu đồng mừng tuổi đồng nghiệp). Khoản chi tiêu dành cho gia đình là 16 triệu đồng (8 triệu đồng biếu ông bà và bố mẹ, 8 triệu đồng để mua sắm đồ gia dụng)".

Quốc Việt chia sẻ, càng gần Tết thì anh càng áp lực bởi nhìn đâu cũng thấy có khoản tiền cần chi. "Ngày bé mong lớn để đón Tết, nhưng lớn rồi, Tết đến mình vừa vui, nhưng cũng buổn vì cần mua sắm tốn kém nhiều", anh chàng than thở. Dẫu biết chi tiêu cho Tết tốn kém nhưng anh chàng chia sẻ không muốn cắt giảm hạng mục nào. Vì với anh kể cả khi kinh tế khó khăn thì vẫn muốn đón một cái Tết trọn vẹn, đủ đầy.

"Nguyên tắc chi tiêu của mình khi Tết đến là phải thoải mái. Cả năm mình mua gì cũng đều suy tính kỹ càng. Cuối năm là dịp mình được nghỉ ngơi, bớt lo nghĩ hơn đến chuyện tiền nong. Kinh tế khó khăn thì đầu năm, giữa năm mình sống tiết kiệm, bớt ăn tiêu. Chứ cuối năm thì mình luôn mua sắm đầy đủ, miễn sao vẫn nằm trong tầm kiểm soát là được", anh chàng chia sẻ.

Độc thân cũng tốn 20-30 triệu đồng ăn Tết, tiết kiệm tiền thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, Minh Thư (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cô nàng dự định dành 20 triệu đồng để chi tiêu Tết trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Hiện, cô đang làm nhân viên văn phòng, có mức thu nhập 14 triệu đồng/tháng. Trong khoản tiền chi tiêu Tết, cô sẽ dành 5 triệu đồng cho bản thân, gồm mua quần áo mới, đi cafe chụp ảnh, làm nail. Ngoài ra, cô sẽ dành 2 triệu đồng cho những bữa tiệc cuối năm cùng bạn bè, 3 triệu đồng chi tiêu trong ngày Tết (tiền mừng tuổi họ hàng và ăn uống). Cuối cùng, cô muốn dành 10 triệu đồng để biếu bố mẹ.

"Mình muốn dành 10 triệu đồng để bố mẹ có một cái Tết đủ đầy hơn. Phụ huynh không yêu cầu mình đưa tiền. Nhưng mình muốn tranh thủ thời gian còn độc thân, được ở cùng gia đình thì hỗ trợ bố mẹ càng nhiều càng tốt. Tết cả năm chỉ có một lần, nên mình mong bố mẹ có thể đón năm mới đầy đủ viên mãn", Minh Thư chia sẻ. Ngoài ra, Minh Thư cũng đang đợi tiền thưởng Tết cuối năm để tính toán gia tăng thêm khoản tiền dành dự định để biếu phụ huynh. 

Tiết kiệm 50% lương để dành tiền chi tiêu Tết

Minh Thư chia sẻ, trong khoảng thời gian đầu năm, cô nàng hầu như không thể tiết kiệm được nhiều. Do đó, những ngày cuối năm là thời điểm để cô sống tiết kiệm hơn, bớt mua sắm để chuẩn bị tài chính cho một mùa Tết. Cô nàng đang tiết kiệm 70% lương, tức 7 triệu đồng để dành riêng cho chi tiêu những ngày cuối năm.

Cô nàng chia sẻ: "Mình cất riêng 1 khoản để dành chi tiêu Tết ngay khi nhận lương, còn bao nhiêu thì mới chi tiêu trong số đó. Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ năm ngoái, mình sẽ mua sắm đồ Tết từ trước đó 1-2 tháng để vừa có nhiều sự lựa chọn vừa tiết kiệm được thời gian. Cuối năm ngoái, chỉ còn cách mấy ngày cuối năm mình mới tất bật đi mua sắm đồ tặng gia đình vì bận rộn công việc. Thành ra, mình mua đồ vừa vội vàng mà còn mua phải mức giá khá đắt. Năm nay, mình sẽ lên 1 kế hoạch mua sắm từ sớm, phù hợp với tình hình tài chính cá nhân hơn".

Độc thân cũng tốn 20-30 triệu đồng ăn Tết, tiết kiệm tiền thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cô nàng cho rằng, với người ngân sách ep hẹp thì có thể hạn chế sắm đồ trang trí, tối giản quần áo hàng ngày, tránh sa đà vào những cuộc tụ tập cuối năm. Tuy nhiên, có những khoản chi phí cố định mà bạn không nên cắt giảm là tiền lì xì và biếu bố mẹ.

Còn về phía Quốc Việt, anh chàng chia sẻ chi tiêu Tết vẫn nằm trong tầm kiểm soát nên không có áp lực. Bên cạnh đó, do đi làm nhiều năm và biết cách quản lý tài chính nên áp lực chi tiêu Tết phần nào được giảm xuống. Trên thực tế, chi tiêu Tết của năm nay không khác so với năm ngoái nên anh đã có kế hoạch từ sớm để không có nhiều khoản phát sinh, bất ngờ.

"Trong năm, mình đã sống tối giản và tiết kiệm nhiều chi phí. Thế nên, mình đã chuẩn bị được gần đủ tài chính để đón Tết rồi. Tuy nhiên, những ngày cuối năm mình cũng hạn chế nhiều khoản chi tiêu cho du lịch, mua sắm cho bản thân và ăn uống. Chứ nếu chỉ phó mặc vào quỹ tiết kiệm để tiêu Tết thì khi có khoản phát sinh đến, bản thân sẽ phải vay mượn thêm. Mình lại không thích vay mượn tiền từ người khác, đặc biệt là trong dịp Tết.

Ngoài ra, mình nghĩ rằng chi tiêu Tết có thể thoải mái nhưng cần đảm bảo kỷ luật. Bạn nên mua sắm theo đúng kế hoạch đề ra, tránh làm phát sinh nhiều khoản chi phí bên ngoài khiến ăn Tết mất vui", anh chàng bày tỏ.