‘Đốt’ hết 500 tỷ đầu tư, VNG rút người, 'chia tay' công ty liên kết Tiki

Admin
VNG vẫn đang là cổ đông lớn tại Tiki Global với tỷ lệ sở hữu trên 14%.

Theo BCTC quý 4/2024 của VNG (mã CK: VNZ), vào ngày 28/10/2024, tập đoàn này đang nắm giữ 14,61% quyền sở hữu Tiki Global. VNG đã miễn nhiệm hai người của tập đoàn trong Ban Giám đốc của Tiki Global và không còn ảnh hưởng đáng kể trong Tiki Global. Theo đó, Tiki Global không còn là công ty liên kết của VNG.

Khoản đầu tư vào Tiki Global được ghi nhận vào khoản mục đầu tư tài chính dài hạn.

Như vậy, VNG vẫn sẽ là cổ đông lớn tại Tiki Global nhưng sẽ không tham gia vào công việc điều hành cũng như phát triển công ty này.

Tính đến thời điểm 31/12/2024, VNG đã đầu tư 510 tỷ đồng vào Tiki Global nhưng từ quý 1/2019, giá trị của khoản đầu tư này đã về 0, tức VNG đã ghi nhận lỗ toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki. Do VNG không tiếp tục đầu tư thêm vào Tiki nên dù Tiki có lỗ thêm thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VNG.

‘Đốt’ hết 500 tỷ đầu tư, VNG rút người, 'chia tay' công ty liên kết Tiki- Ảnh 1.

Được thành lập năm 2010 và đặt trụ sở chính tại TP.HCM, Tiki khởi nghiệp bằng bán sách trực tuyến. Sau đó, trang thương mại điện tử này mở rộng hoạt động kinh doanh các hàng hóa, sản phẩm khác nhau, từ đồ dân dụng, thời trang, đồ công nghệ, cho tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp...

Tiki bắt đầu vòng gọi vốn đầu tiên năm 2012 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent, trước khi chốt khoản đầu tư vòng Series B với tập đoàn Sumimoto.

Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) từ VNG đổi lấy 38% cổ phần. VNG, sau đó, cũng trở thành cổ đông lớn nhất tại sàn thương mại điện tử này.

Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh liên tục của lĩnh vực thương mại điện tử, khi các đối thủ khác như Lazada, Shopee liên tục "đốt tiền" để giành thị phần, Tiki liên tục phải huy động thêm vốn để hoạt động. VNG, dù là cổ đông lớn nhất, nhưng chỉ tham gia một lần sau đó trong đợt chào bán riêng lẻ đầu năm 2018, rót thêm 120 tỷ đồng.

Dữ liệu của Tech in Asia thể hiện, tổng doanh thu trong năm tài chính 2022 của Tiki ghi giảm 7% so với năm trước, xuống dưới ngưỡng 200 triệu USD. Trừ đi chi phí, Tiki báo lỗ 93 triệu USD năm 2022, tăng 39% so với năm 2021. Tiki chưa lần nào thông báo là đã hòa vốn hoặc bắt đầu có lời như các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Mỗi khi thị trường Việt Nam xuất hiện người chơi mới, thị phần của Tiki lại giảm xuống. Trước khi Shopee xuất hiện năm 2016, thì thị trường sàn TMĐT ở Việt Nam chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Lazada và Tiki. Bằng cách đổ rất nhiều tiền vào khuyến mại và miễn phí vận chuyện cho cả người bán lẫn người mua, chỉ trong vỏn vẹn hơn 2 năm, Shopee đã đánh bại cả Lazada và Tiki để dẫn đầu thị trường.

Theo Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Q&Me thực hiện, Shopee đã vươn lên chiếm thị phần 35%, soán ngôi đầu thị trường của Lazada trong năm 2017. Điều này khiến thị phần của Lazada cũng từ mức trên 30% trước đó xuống còn 20% và tiếp theo là Tiki chiếm 17%.

Càng những năm sau, khoảng cách giữa Tiki và Shopee càng nới rộng đáng kể.