Giá vàng nhẫn, vàng SJC ngày 9/7 tiếp tục tăng, neo cao

Admin
Giá vàng miếng, vàng nhẫn hôm nay tiếp tục neo ở mức cao, bất chấp giá vàng thế giới điều chỉnh giảm mạnh.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, gia vàng miếng tại Công ty VBĐQ Mi Hồng được điều chỉnh tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lên mức 119,3 - 121 triệu đồng/lượng (mua - bán), trong khi giữ nguyên chiều mua vào. Vàng nhẫn tại Mi Hồng cũng duy trì ở mức cao, 115,3 - 116,8 triệu đồng/lượng.

Một số doanh nghiệp khác hiện chưa điều chỉnh giá. Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 115,7 - 118,7 triệu đồng/lượng; SJC giữ mức 114,4 - 116,9 triệu đồng/lượng; PNJ giao dịch quanh ngưỡng 114,7 - 117,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, DOJI tiếp tục duy trì giá vàng nhẫn ở mức 108,4 - 112,5 triệu đồng/lượng. Các nhà vàng này đồng loạt niêm yết giá vàng miếng đồng loạt ở mức 119 - 121 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ở ngưỡng 3.303 USD/ounce, giảm 28 USD so với cùng thời điểm khảo sát sáng hôm qua theo giờ Việt Nam.

Theo Kitco News, giá vàng đã giảm trong phiên giao dịch giữa trưa ngày thứ Ba (giờ Mỹ), trong bối cảnh thanh khoản thị trường mùa hè giảm sút và hoạt động bán tháo từ các nhà đầu tư ngắn hạn diễn ra mạnh mẽ.

Tâm lý thị trường đang “chùng xuống” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thêm thuế quan đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời thông báo sẽ áp mức thuế từ 25% - 40% đối với nhiều quốc gia khác.

Diễn biến này đã thúc đẩy đồng USD tăng giá nhẹ, khiến giá vàng chịu áp lực. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây chỉ là điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn. Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ kỳ vọng tích cực trong dài hạn với vàng.

Bên cạnh các yếu tố thị trường ngắn hạn, xu hướng mua vào của ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục là trụ cột hỗ trợ giá vàng.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục mua thêm 2 tấn vàng, đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp gia tăng dự trữ, nâng tổng lượng vàng nắm giữ lên 2.299 tấn.

Tuy tốc độ mua có phần chậm lại so với cuối năm 2024, các chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ chưa dừng lại trong bối cảnh bất ổn chính sách, thiếu phối hợp toàn cầu và lạm phát dài hạn đang hiện hữu.

“Ngân hàng trung ương không mua vàng để chờ khủng hoảng; họ đang đa dạng hóa danh mục để ứng phó với hiện thực mới. Vàng đang dần lấy lại vai trò như một dạng bảo vệ thầm lặng,” bà Eugenia Mykuliak, CEO của B2PRIME Group, nhận định.

Bà Joy Yang, Giám đốc sản phẩm tại MarketVector Indexes, cũng nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại kéo dài dưới thời ông Trump đang khiến nhiều nước tìm cách giảm phụ thuộc vào USD.

“Không có đồng tiền nào thay thế hoàn toàn USD, nhưng các quốc gia vẫn đang giảm tiếp xúc với nó. Vàng là lựa chọn thay thế duy nhất còn lại,” bà nói.

Theo báo cáo Gold Focus của Metals Focus, các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể mua vào tới 1.000 tấn vàng trong năm 2025, năm thứ tư liên tiếp giữ mức mua ròng ở quy mô này, chiếm khoảng 21% tổng cầu vàng toàn cầu, so với chỉ 10% cách đây 15 năm.