Giới CEO Mỹ dậy sóng với bê bối ngoại tình của sếp Astronomer: Loạt nhân viên cũ đồng loạt 'bóc phốt', nguy cơ sắp 'bay ghế'

Admin
Bê bối tại concert Coldplay đang khiến giới CEO Mỹ dậy sóng.

Andy Byron đảm nhiệm vị trí CEO từ tháng 7/2023 tại Astronomer – startup DataOps có định giá khoảng 1 tỷ USD. Trước đó, ông từng giữ vị trí lãnh đạo bán hàng và điều hành tại nhiều công ty công nghệ như Lacework, Cybereason (CRO), Fuze, BMC Software… .Ước tính tài sản cá nhân của vị CEO này rơi vào khoảng 20–70 triệu USD, chủ yếu từ cổ phần tại Astronomer và các công ty trước đây.

Nổi tiếng với lối sống kín đáo, Andy Byron sống cùng vợ Megan Kerrigan Byron và hai con tại New York. Ngỡ tưởng yên bình song vợ ông, công tác trong lĩnh vực giáo dục (Associate Director tại Bancroft School), mới đây đã gỡ bỏ họ “Byron” khỏi trang Facebook cá nhân, thậm chí deactivate tài khoản sau bê bối ngoại tình ‘Kiss Cam’ của chồng tại Coldplay.

Cụ thể, tại concert Coldplay ở Boston ngày 16/7/2025, trong phân đoạn “Kiss Cam”, máy quay ghi lại cảnh Andy Byron ôm giám đốc nhân sự Kristin Cabot – người mới gia nhập công ty cuối 2024. Video nhanh chóng lan truyền trên TikTok/X, thu hút hàng triệu lượt xem cùng hàng loạt bình luận về chủ đề “ngoại tình” hoặc “quan hệ không phù hợp trong công ty”. Dù không lên tiếng xác nhận mối quan hệ trên mức đồng nghiệp, cả hai tỏ ra bối rối và cố che giấu khi được phóng viên phát hiện.

Hiện công ty Astronomer vẫn chưa có phản hồi chính thức về scandal. Cả Byron cũng đã tạm khóa hoặc xóa tài khoản LinkedIn cá nhân.

Sau vụ việc, một số cựu nhân viên bắt đầu lên tiếng bóc phốt, tố rằng Byron từng là một lãnh đạo “độc đoán, kìm nén áp lực lớn lên đội ngũ”. Họ kể lại rằng Byron thường xuyên quát tháo trước mặt nhân viên, sử dụng ngôn từ xúc phạm, và từng đe dọa sẽ “đuổi cả bộ phận” nếu không đạt KPI.

Nhiều người chia sẻ với báo chí rằng họ không bất ngờ khi thấy Byron vướng vào bê bối tình cảm tại sự kiện Coldplay. Họ nói việc Byron mất uy tín công khai là “cái giá xứng đáng” cho cách ông từng đối xử với nhân viên của mình. Dẫu vậy, không thể phủ nhận ông có rất nhiều kinh nghiệm, giàu thành tích và sở hữu mức thu nhập cao.

Giới CEO Mỹ dậy sóng với bê bối ngoại tình của sếp Astronomer: Loạt nhân viên cũ đồng loạt 'bóc phốt', nguy cơ sắp 'bay ghế'- Ảnh 1.

Bê bối khiến đời sống riêng tư của Byron bị để ý. Hiện chưa rõ hậu quả lâu dài, nhưng xét về phương diện cá nhân, scandal có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của ông Byron và cả môi trường nội bộ tại Astronomer – nhất là khi câu chuyện lần này lại liên quan đến lãnh đạo cấp cao và người phụ trách chính sách nhân sự.

Trong thời đại mà hình ảnh lãnh đạo không còn dừng lại sau cánh cửa văn phòng, mọi hành vi ngoài công việc đều có khả năng tác động lên cả một doanh nghiệp. Với trường hợp của Andy Byron, người đứng đầu một công ty trị giá hơn 1 tỷ USD, có lẽ ông không ngờ rằng khoảnh khắc cá nhân bị ghi lại trong sự kiện hôm đó có thể đẩy công ty của mình vào một nguồn cơ khủng hoảng văn hóa nội bộ phức tạp đến vậy.

Điều khiến dư luận và giới chuyên môn phản ứng mạnh mẽ là vị trí quyền lực của cả hai trong công ty, trong đó một người có quyền bổ nhiệm, đánh giá và sa thải, còn người kia nắm quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống, đảm bảo văn hóa công sở được duy trì lành mạnh. Khi mối quan hệ cá nhân giữa họ bị công khai, dù là đồng thuận, thì hệ quả là niềm tin nội bộ sẽ bị sụp đổ. Nhân viên sẽ đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là lý do giám đốc nhân sự được bổ nhiệm?”.

Không có gì ngạc nhiên khi cộng đồng công nghệ – vốn đang ngày càng nhạy cảm với các chuẩn mực đạo đức – đồng loạt gọi đây là vụ ngoại tình điển hình. Từ góc độ quản trị, một mối quan hệ tình cảm (nếu có) giữa hai lãnh đạo cấp cao nên được công khai và xử lý rõ ràng qua các kênh độc lập. Nhưng theo các nguồn tin, Astronomer chưa hề có chính sách chính thức về quan hệ nội bộ giữa cấp lãnh đạo, cũng không có hệ thống báo cáo độc lập ngoài bộ phận HR. Điều này đặt công ty vào thế bị động khi scandal xảy ra: không có quy trình nội bộ để xử lý khủng hoảng, cũng không có cách bảo vệ nhân viên.

Từ một sự kiện ngoài giờ làm việc, Astronomer giờ đây đối mặt với những rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Trước tiên là nguy cơ bị kiện vì thiếu minh bạch trong tuyển dụng – nếu có bằng chứng cho thấy Kristin Cabot được thăng chức hoặc ưu ái vì quan hệ cá nhân, cổ đông có thể chất vấn Hội đồng Quản trị. Tiếp theo là rủi ro về môi trường làm việc không công bằng – nhân viên khác có thể viện dẫn rằng họ cảm thấy không an toàn, thiếu niềm tin vào hệ thống HR.

Tình huống càng phức tạp hơn khi cả CEO và giám đốc nhân sự này đều đang nắm giữ cổ phần đáng kể trong công ty và Astronomer đang trong giai đoạn mở rộng, gọi vốn tiếp theo. Một scandal đời tư không được xử lý đúng mực có thể khiến nhà đầu tư rút lui hoặc yêu cầu thay CEO, như từng xảy ra với nhiều startup lớn tại Thung lũng Silicon.

Nhìn rộng hơn, câu chuyện của Astronomer là một ví dụ sống động về “lằn ranh đạo đức mờ nhạt” trong các startup công nghệ – nơi văn hóa phẳng, làm việc tự do thường bị hiểu nhầm là “tự do khỏi trách nhiệm”. Vụ việc này không chỉ phơi bày một lỗ hổng đạo đức, mà còn cho thấy nhiều công ty công nghệ vẫn chưa có quy trình vững chắc để xử lý các tình huống “con người” – thứ mà công nghệ không thể thay thế được.

Theo: The Sun, New York Post