Hà Nội: Không sử dụng túi ni lông, hộp nhựa xốp khó phân huỷ ở chợ và các cửa hàng tiện lợi, áp dụng từ thời gian cụ thể này

Admin
Kể từ ngày 1/1/2027, các chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học, bán hàng trực tuyến giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa.

Sáng 10/7, HĐND thành phố Hà Nội thống nhất quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện theo Luật Thủ đô). Đồng thời khuyến khích các hoạt động tái chế rác.

Theo thông tin từ Chuyên trang Thủ đô Hà Nội, nghị quyết này quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhựa PE, PP trong các bao bì quy định tại điểm d, đ và điểm e khoản 2 Điều 77 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 6/1/2025 của Chính phủ, phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2028; phải sử dụng tối thiểu 30% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2030

Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Các chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027; đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường.

Chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.

Hà Nội: Không sử dụng túi ni lông, hộp nhựa xốp khó phân huỷ ở chợ và các cửa hàng tiện lợi, áp dụng từ thời gian cụ thể này- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông; mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng: Kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc) kể từ ngày 1/1/2026.

Trong hoạt động sinh hoạt, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm). Không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.

Tái chế rác được hưởng nhiều ưu đãi tốt

Theo thông tin trên VOV cho biết, HĐND thành phố Hà Nội cũng có Nghị quyết quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối tượng được hưởng hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô năm 2024 khi thực hiện dự án đầu tư mới.

Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 6 năm; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong các năm tiếp theo theo chính sách ưu đãi về đất đai của Trung ương và của thành phố tại từng thời kỳ khi thực hiện dự án đầu tư mới.

Được xem xét vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và nguồn vốn nhận ủy thác quỹ bảo vệ môi trường.

Được hưởng ưu đãi với mức thu phí là 0 đồng đối với các loại phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân còn được hưởng ưu đãi khi thực hiện đầu tư kênh phân phối có sản phẩm tái chế với ít nhất 10 địa điểm phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng và có tổng nguồn vốn của năm tối thiểu 3 tỷ đồng cho hoạt động phân phối sản phẩm từ tái chế.

Hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng nhưng không quá 100 triệu đồng/năm khi hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp có đầu tư hạ tầng đồng bộ của thành phố.

Hỗ trợ 100% chi phí cho việc tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại quốc gia và thành phố.

Hỗ trợ 100% chi phí cho hoạt động đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực, thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án, tập huấn và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện có tốt nhất. Tổng mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng.

Hỗ trợ 100% chi phí cho hoạt động quảng bá sản phẩm tái chế trên các phương tiện truyền thông, trên các chương trình truyền hình, báo chí hoặc thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tổng mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/năm.