Hàng triệu tỷ đồng chảy vào bất động sản, vì sao doanh nghiệp vẫn ‘đói’ vốn?

Admin
Đến hết tháng 3 vừa qua, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng, đà tăng trưởng tín dụng bất động sản phù hợp với xu hướng phục hồi của thị trường tài sản này, song cần chú ý kiểm soát rủi ro nắn dòng vốn vào phân khúc phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Nhiều dự án tái khởi động, tín dụng tăng mạnh

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 3 năm nay, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 (hơn 1,3 triệu tỷ đồng), tương ứng mức tăng 20%.

Đà tăng của tín dụng kinh doanh bất động sản đang vượt xa mức tăng chung. Cụ thể, đến ngày 18/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,28 triệu tỷ đồng, tăng 4,27% so với cuối năm 2024, tăng 18,25% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 1,48% so với tháng 12/2023).

Hàng triệu tỷ đồng chảy vào bất động sản, vì sao doanh nghiệp vẫn ‘đói’ vốn?- Ảnh 1.

Tín dụng vào bất động sản tăng mạnh vì nhiều dự án khởi động lại.

Từ góc độ các ngân hàng thương mại, báo cáo tài chính quý I vừa qua của một số nhà băng ghi nhận đà tăng tín dụng kinh doanh bất động sản tích cực và lĩnh vực kinh doanh này cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng.

Tại Techcombank, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối quý I ở mức hơn 215.000 tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng dư nợ tín dụng và tăng 20,6% so với cuối năm 2024; VPBank, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản gần 186 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng dư nợ; SHB, dư nợ tín dụng bất động sản hơn 141.000 tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng dư nợ, tăng 11,3% so với cuối năm 2024...

Theo các chuyên gia, các nhà băng vẫn đang tích cực rót vốn vào bất động sản trong bối cảnh nhiều dự án tái khởi động, nguồn cung trên thị trường có những tín hiệu dồi dào trở lại và lãi suất cho vay mua nhà duy trì ở mức tương đối thấp.

Tại nhiều ngân hàng thương mại hiện nay, lãi suất vay mua nhà đất dao động từ 5,5 - 6,5%/năm và cố định trong 2 năm đầu, sau đó áp dụng lãi suất thả nổi theo thị trường. Thậm chí, có ngân hàng cho phép điều khoản tất toán ngay mà không bị phạt hay chịu thêm phí với điều kiện khách hàng có tài sản đảm bảo và chứng minh được nguồn tài chính và thu nhập rõ ràng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết, tín dụng cho vay bất động sản sẽ là động lực chính giúp đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%. Thay vì “siết” cung ứng vốn cho lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước “nắn” dòng tín dụng bằng cách hướng dòng vốn vào phân khúc có nhu cầu thực.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cùng chương trình cho vay mua nhà dành cho người trẻ dưới 35 tuổi với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-3%/năm. Cơ quan này cũng tăng cường giám sát các khoản vay tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là với ngân hàng có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp bất động sản.

Gần đây, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hơn công tác thanh tra, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần có sân sau là doanh nghiệp, doanh nghiệp bất động sản.

Ông Hùng cho rằng, việc đẩy mạnh tín dụng bất động sản có thể là cú hích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, hướng dòng vốn đúng đích, rủi ro vẫn luôn hiện hữu, có thể gây mất ổn định cho hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính.

Thận trọng "bong bóng" tín dụng bất động sản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trong báo cáo thị trường bất động sản quý đầu năm nay nêu rõ, tín dụng bất động sản đã có những chuyển biến đáng tích cực từ đầu năm nay. Theo đó, các ngân hàng thương mại được khuyến khích mở rộng tín dụng vào các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp...

Theo Thứ trưởng Sinh, để đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước phải luôn chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thận trọng, đảm bảo an toàn tài chính và tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hàng triệu tỷ đồng chảy vào bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp, dự án vẫn "đói vốn". Trong khi đó, phân khúc cao cấp lại dễ dàng tiếp cận vốn, khiến cán cân cung - cầu bị lệch pha nghiêm trọng. Vì vậy, việc điều chỉnh dòng vốn vào phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân là điều cấp bách phải làm.

Một bất cập khác được ông Đính chỉ ra, đó là hiện hơn 50% vốn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ tín dụng ngân hàng , trong khi ngân hàng lại lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, gây rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính.

Vì vậy, việc khơi thông nhiều kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, tín phiếu, quỹ đầu tư, quỹ phát triển rất cần thiết. Những quỹ này đã được bàn bạc từ hơn 10 năm trước, nhưng các rào cản pháp lý khiến việc triển khai gặp khó khăn.