Ngày 12/7, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 20 yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Thủ tướng đồng thời đặt mục tiêu từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu và hạn chế xe ô tô cá nhân chạy xăng dầu lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, không chỉ vì ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người dân, mà còn bởi đây là bước ngoặt trên hành trình đầy gian nan nhằm hiện thực hóa chủ trương cấm xe máy ở nội đô Hà Nội. Trước đó, trong 10 năm qua (2015-2025), Hà Nội cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện lộ trình cấm xe máy ở Thủ đô.

TP Hà Nội hiện quản lý hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có gần 7 triệu xe máy.
Hà Nội giải bài toán xe máy
10 năm trước, tại Kỳ họp thứ 14 (đầu tháng 12/2015), HĐND TP Hà Nội khóa XIV thông qua chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020.
Với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, HĐND Hà Nội quyết nghị dành 700 triệu đồng để xây dựng đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn để xác định rõ lộ trình, giải pháp khắc phục tình trạng phát triển quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi kết cấu hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp.
Ngày 28/12/2015 , tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc.
Lý giải nguyên nhân đưa ra đề xuất này, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, thời điểm năm 2015, bình quân hằng tháng trên địa bàn có 18.000-22.000 xe máy và 6.000-8.000 ô tô đăng ký mới. Dự kiến vào năm 2018 khi các dòng thuế đối với ô tô được miễn giảm, vào năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể lượng ô tô của khối lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và 7 triệu xe máy.
" Nếu không có giải pháp từ bây giờ thì trong vòng 4-5 năm nữa, tình hình ùn tắc giao thông sẽ ngày càng phức tạp ", Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời điểm đó bày tỏ.
Đến giữa năm 2016 , dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của Thành ủy Hà Nội đưa ra lộ trình cụ thể "từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy". Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, thời điểm đó Hà Nội chưa thể cấm được xe máy do thiếu phương tiện công cộng.
Cuối năm 2016, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cho lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2020, Hà Nội sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết; năm 2021 dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (Vành đai 1) từ 7h-19h hàng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2 từ năm 2023, thành phố sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Giai đoạn 3 đến năm 2025, Thủ đô cấm xe máy ở một số địa điểm trong Vành đai 3.
Ngày 4/7/2017 , HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết 04 về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030". Trong đó, mục tiêu gây chú ý và nhiều tranh luận nhất là lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Đây là một chủ trương táo bạo, khi thành phố lúc đó có tới hơn 5 triệu xe máy lưu hành, đóng vai trò phương tiện đi lại chủ yếu của người dân.
Ngành giao thông Hà Nội sau đó muốn đẩy nhanh lộ trình cấm xe máy bằng cách hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận và một số huyện; ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm; thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Đến tháng 10/2019 , Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện Chiến lược phát triển giao thông (Bộ Giao thông vận tải) xây dựng đề án "Phân vùng hạn chế xe máy, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030".
Đề án đưa ra hai phương án phân vùng hạn chế xe máy để lấy ý kiến. Phương án 1 là hạn chế xe máy theo quận (12 quận và 5 huyện chuẩn bị lên quận. Tổng dân số bị ảnh hưởng là 4,74 triệu người). Tuy nhiên, phương án này được cho có nhiều hạn chế, như: công tác tổ chức giao thông sẽ khó khăn vì không có vành đai kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện, khó khăn trong việc xây dựng bãi đỗ xe, điểm trung chuyển để kết nối.
Phương án 2 là hạn chế xe máy theo vành đai. Viện Chiến lược giao thông cho rằng trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, Vành đai 3 đạt đầy đủ chỉ tiêu để hạn chế xe máy do là vành đai khép kín, mặt cắt ngang rộng, quy mô 8-10 làn xe, trên tuyến có một số đoạn cao tốc đô thị đảm bảo khả năng phân luồng lưu thông. Vành đai 3 có quỹ đất dự phòng lớn, thuận tiện xây dựng điểm đỗ xe, điểm trung chuyển, trạm dừng nghỉ hơn Vành đai 2 vốn đã chật chội.
Cuối năm 2021 , UBND TP Hà Nội gửi HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đây. Nhưng đề án sau đó không được trình ra kỳ họp của HĐND thành phố.
Tới tháng 8/2024 , trong báo cáo thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Sở Giao thông vận tải thừa nhận còn một số nội dung chưa hoàn thành đúng thời hạn, như "Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận năm 2030".
Sở Giao thông vận tải Hà Nội giải thích lý do: " Đây là nội dung khó, nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến người dân, do vậy Sở cần phải rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động của Đề án đến xã hội, người dân, thận trọng đề xuất các phương án, giải pháp đảm bảo chặt chẽ các điều kiện về pháp lý theo quy định pháp luật vào thời điểm phù hợp ".

Hà Nội hiện có 15 tuyến buýt chạy bằng năng lượng sạch.
Kiên định mục tiêu cấm xe máy xăng
Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, tháng 12/2024, Hà Nội thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ). Nghị quyết nhấn mạnh trong giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ thí điểm chính sách này tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (cũ) và khuyến khích nhân rộng sang các địa bàn khác.
Sau năm 2031, việc thực hiện vùng LEZ sẽ là bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao.
Những vùng LEZ sẽ phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường như: Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 đi vào vùng LEZ theo thời điểm hoặc khu vực.
Và hồi tháng 6 vừa qua, thành phố đã làm việc với các nhà sản xuất phương tiện để có chương trình giảm thiểu xe máy xăng dầu vào vùng LEZ.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội sẽ giữ nguyên lộ trình hạn chế xe máy tại các quận vào năm 2030, đồng thời từng bước chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng chủ trương này đã ban hành cách đây hơn 7 năm nên không có gì bất ngờ với doanh nghiệp hay người dân. Thành phố quyết tâm thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Để thực hiện mục tiêu, Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, đầu tư hệ thống trạm sạc, nâng tiêu chuẩn an toàn tại các khu vực sạc tập trung, đồng thời phát triển mạnh vận tải công cộng...
Ông Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng làm đầu mối phối hợp với các bên liên quan xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chiều 15/7, trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường của Hà Nội hiện nay hết sức cấp bách, đe dọa trực tiếp tới môi trường, chất lượng sống, sức khỏe của Nhân dân.
Theo lãnh đạo Hà Nội, lịch sử phát triển của các thành phố lớn trên thế giới đều trải qua thời kỳ rất khó khăn liên quan tới kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có các vấn đề ô nhiễm không khí, dòng sông. Vì vậy, Trung ương và TP Hà Nội sớm xác định khắc phục việc ô nhiễm môi trường là mục tiêu quan trọng.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí, ông Tuấn thừa nhận đây là thách thức rất lớn, khi phần lớn phương tiện giao thông hiện nay vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) - được xem là tác nhân chính, chiếm tới 60% tỷ lệ phát thải ra môi trường.
"Nhiệm vụ của TP Hà Nội là triển khai Chỉ thị 20, đây là chỉ thị có các nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt, khá toàn diện trong lĩnh vực môi trường, trong đó cũng xác định một đối tượng là các phương tiện giao thông vận tải cá nhân", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 8,5 triệu người, chưa kể dân số tự do thường xuyên di chuyển. Thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện giao thông, gồm khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Riêng khu vực Vành đai 1 - trung tâm nội đô - khoảng 600.000 dân nhưng số xe máy lên tới 450.000 chiếc. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, khi có 70% là xe cũ.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, để triển khai Chỉ thị 20, thành phố sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, biện pháp, giải pháp cụ thể.
Theo đó, thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho Nhân dân, đặc biệt là nhóm sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu trong khu vực vành đai trung tâm của Thủ đô. Bên cạnh đó cũng khuyến khích người dân ở khu vực ngoài Vành đai 1 theo lộ trình năm 2026, 2028, 2030.
"Chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp về quản lý, có sự phối hợp của Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, sẽ có những biện pháp kêu gọi tất cả doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh đưa ra chế độ ưu đãi nhất để chuyển đổi phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào giá thành và các vấn đề liên quan để sử dụng phương tiện đó tốt nhất" , ông Tuấn nói.
Đặc biệt, các chính sách này sẽ đi kèm với các ưu đãi về lệ phí trước bạ, thủ tục đăng ký và các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông tĩnh. Trong lộ trình này sẽ tăng cường cho khu vực hạn chế xe xăng dầu, ưu đãi cho các xe sử dụng năng lượng xanh, sạch. Ông Tuấn dẫn Luật Thủ đô cũng khuyến khích việc chuyển đổi này, thậm chí các phương tiện xanh, sạch đăng ký thì miễn phí gần như 100% lệ phí trước bạ, đăng ký.
Nhận định đây là nội dung quan trọng và đang trong quá trình nghiên cứu, ông Tuấn cho hay, dự kiến tháng 9/2025, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP để thiết lập các nghị quyết chuyên đề xử lý các vấn đề này.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho các đối tượng sử dụng, thành phố cũng sẽ có giải pháp liên quan đến sử dụng pin xe điện, phòng cháy chữa cháy với hạ tầng và tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ, hiện đại; có trạm đổi pin xe với sự tham gia của nhiều hãng, tránh độc quyền.
"Đây không phải là hạn chế ngay phương tiện cá nhân, mà là chuyển đổi. Mục tiêu là nhằm tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xác lập hệ thống xe buýt, đường sắt đô thị. Tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, phù hợp nhất", ông Tuấn nhấn mạnh.
Báo Điện tử VTC News cũng có nhiều tuyến bài sâu sắc, phân tích thấu đáo đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội.
Tháng 7/2017, khi Hà Nội đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030, trả lời Báo Điện tử VTC News, chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo, nguyên thành viên Tổ tư vấn Chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá đây là chủ trương hoàn toàn đúng.
"Trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại, thu nhập của của người dân còn thấp và thói quen "sính" đi xe máy khi cách vài trăm mét cũng sử dụng thì phải thừa nhận rằng tai nạn, ách tắc giao thông phần lớn lại do người điều khiển xe máy không hiểu biết luật giao thông và ý thức kém", ông Hảo nhận xét.
Vị chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tương lai chắc chắn phải tính đến việc cấm xe máy lưu thông trong nội đô theo các mốc thời gian phù hợp với sự gia tăng phương tiện công cộng như xe buýt, BRT, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm...
Cùng bàn luận thời điểm đó trên Báo Điện tử VTC News, TS Trịnh Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, nhìn nhận Hà Nội cần xét đến yếu tố hài hòa giữa các phương tiện giao thông.
Theo TS Bình, một xã hội chỉ sử dụng xe đạp, xe máy hoặc đi bộ thì không thể coi là thịnh vượng vì tốc độ di chuyển, khả năng chuyên chở thấp. Một xã hội chỉ sử dụng ô tô cá nhân thì chắc chắc sẽ gặp rất nhiều vấn đề về ách tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.
"Trước mắt, có thể tập trung vào các giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng chuyến đi vận tải hành khách công cộng, nâng cao năng lực đáp ứng, sau đó giải pháp quản lý phương tiện cá nhân mới hiệu quả. Vấn đề bây giờ là không nên tranh cãi mà nên bắt tay vào thực hiện sao cho tốt" , ông Bình nhấn mạnh.