Làm cả tháng mới được 10 triệu nhưng 1 tuần đã tiêu hết gần nửa, tôi nhận ra: Cố cắt giảm chi tiêu chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chẳng ích gì!

Admin
Có nhiều nguyên nhân xâu xa dẫn tới tình trạng chi tiêu vô tội vạ, không phải cứ cố cắt giảm chi tiêu là giải quyết được vấn đề.

Một khoảng thời gian dài trước đây, tôi luôn trong tình cảnh nhận lương chưa nóng tay thì tiền đã “bay” hết sạch. Không phải là vài ngày cuối tháng tôi mới hết tiền, tôi hết tiền ngay từ tuần thứ 2 sau khi nhận lương. Hồi đó, lương của tôi cũng chỉ quanh quẩn 10 triệu, nhưng chưa đến 2 tuần, tôi đã tiêu quá nửa.

Tôi chẳng thể nhớ nổi mình đã “ném” tiền vào những đâu…

Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi cũng chỉ có thể gạch ra vài gạch đầu dòng về thói quen chi tiêu thuở đó. Còn cụ thể từng tháng hay từng khoản chi thì tôi chịu chết, không nhớ nổi.

Làm cả tháng mới được 10 triệu nhưng 1 tuần đã tiêu hết gần nửa, tôi nhận ra: Cố cắt giảm chi tiêu chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chẳng ích gì!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cứ căng thẳng là mua quần áo, phụ kiện. Đây giống như một “liều thuốc tinh thần” tạm thời cho tôi vậy, chẳng cần biết là buồn vì bị sếp mắng, hay bực tức vì cãi nhau với người yêu,... dù lý do là gì thì cũng chỉ cần tới trung tâm thương mại, thử vài bộ đồ rồi quẹt thẻ thanh toán là tôi lại vui ngay được.

Buồn thì đi ăn hàng. Tôi đặc biệt đam mê đồ ngọt và ăn lẩu. Tôi có thể chi tới cả triệu bạc để mua 2 cái bánh ngọt và ăn sạch trong vòng 2 tiếng. Tôi cũng chẳng ngại đi ăn lẩu 1 mình vào những lúc không rủ được ai đi cùng. Đi ăn thôi mà, mình vui, mình no là được, mấy mình chẳng quan trọng.

Nghiện đồ công nghệ. Lương thì thấp nhưng được cái còn dùng thêm cả thẻ tín dụng nên hồi đó, tôi “đu” không thiếu món đồ công nghệ nào, từ điện thoại đời mới cho tới cả tai nghe bluetooth hay máy tính bảng,... Trưng những món đồ đó bên mình khiến tôi có cảm giác mình là người thức thời, sành điệu ra phết, dù tài khoản ra sức “cầu cứu”, tôi cũng mặc kệ.

Mua quà đắt tiền cho người thân, bạn bè. Tôi chẳng ngại chi 3-4 triệu để mua quà tặng sinh nhật bạn, hoặc thậm chí là chẳng nhân một dịp gì, chỉ đơn giản là tôi hứng lên thì tôi mua. Tương tự với anh chị em trong nhà và bố mẹ, dù mọi người chẳng thiếu thốn, cũng chẳng đòi hỏi, nhưng thi thoảng tôi sẽ vác về một bộ nồi niêu xoong chảo cho mẹ, hoặc một cái gối mát-xa cổ vai gáy cho bố.

Đương nhiên là bố mẹ tôi vui, tôi cũng vui, chỉ có cái ví của tôi là thoi thóp, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng hề gì, vui là được mà…

Mãi sau này tôi mới biết: Tâm lý không ổn định nên tiền bạc cũng bấp bênh theo!

Chỉ đến khi mắc nợ với số tiền sắp vượt quá khả năng chi trả, tôi mới sực tỉnh và lật đật tìm cách thay đổi thói quen chi tiêu có phần hổ lốn của mình. Nhưng vấn đề là dù tôi có cố gắng cỡ nào, thì cũng không thể kiểm soát nổi “cơn nghiện tiêu tiền” đang choán lấy mình. Từ lo sợ vì thiếu tiền, tôi chuyển sang rối loạn lo âu vì vòng lặp có phần luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Và mãi tới tận lúc đó, tôi mới hiểu đằng sau những lần chi tiền bồng bột của bản thân chính là một tâm lý không hề ổn định.

Làm cả tháng mới được 10 triệu nhưng 1 tuần đã tiêu hết gần nửa, tôi nhận ra: Cố cắt giảm chi tiêu chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chẳng ích gì!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong tâm lý học có một lý thuyết về điều hòa cảm xúc (Emotion Regulation Theory). Hiểu nôm na, đây là quá trình một người cố gắng tác động đến cảm xúc của bản thân họ thông qua 1 hoặc 1 loạt các hoạt động quen thuộc. Tiêu tiền mua vui có thể được xem là một chiến lược điều hòa cảm xúc, chỉ có điều nó không lành mạnh.

Hiệu ứng tâm lý "phần thưởng tức thì" cũng có cách lý giải tương tự về thói quen đổi tiền lấy niềm vui. Con người có xu hướng ưu tiên những phần thưởng đến ngay lập tức hơn là những lợi ích lâu dài, cần nhiều thời gian. Hành vi tiêu tiền mua vui là một biểu hiện của việc không thể trì hoãn sự hài lòng, khi cảm xúc tiêu cực hoặc ham muốn trỗi dậy, nhu cầu được thỏa mãn ngay lập tức trở nên mạnh mẽ hơn lý trí về quản lý tài chính.

Để thoát khỏi việc chi tiền mua vui, khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi đóng vai trò quan trọng, nhưng đương nhiên, tôi không làm được việc đó. Những người có khả năng tự kiểm soát kém như tôi, thường dễ bị chi phối bởi cảm xúc và ham muốn nhất thời. Bên cạnh đó, những suy nghĩ phi lý hoặc những niềm tin sai lệch về tiền bạc và giá trị bản thân cũng có thể góp phần vào hành vi tiêu dùng bốc đồng. Ví dụ, một người có thể tin rằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền sẽ làm tăng giá trị bản thân hoặc được người khác yêu mến hơn.

Tóm lại thì, hành vi tiêu tiền mua vui là một hiện tượng tâm lý phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhu cầu được thỏa mãn tức thì, hoạt động của hệ thống thần kinh, khả năng tự kiểm soát và các yếu tố xã hội, văn hóa. Việc hiểu rõ những cơ chế tâm lý này là bước đầu tiên giúp tôi nhận diện và điều chỉnh hành vi tiêu dùng của mình một cách lành mạnh hơn.

3 việc tôi đã làm để “tự cứu lấy mình”

Sau khi hiểu ra nguồn cơn của những lần “ném tiền qua cửa sổ”, tôi bắt đầu xây dựng một lộ trình điều hòa cảm xúc, thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu.

Làm cả tháng mới được 10 triệu nhưng 1 tuần đã tiêu hết gần nửa, tôi nhận ra: Cố cắt giảm chi tiêu chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chẳng ích gì!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Đầu tiên, tôi viết nhật ký tiêu tiền. Việc này giúp tôi nâng cao nhận thức về cảm xúc và hành vi tiêu dùng của dùng của chính mình. Sau mỗi lần mua sắm gì đó, tôi đều ghi vào nhật ký câu trả lời cho 3 câu hỏi:

- Cảm xúc nào khiến tôi quyết định mua món đồ này?

- Sau khi mua nó, tôi cảm thấy ra sao?

- Lần tới, nếu lại có cảm xúc thôi thúc tôi tiêu tiền với lý do tương tự, liệu tôi có tiêu tiền nữa không hay sẽ tìm một phương án khác? Nếu có, phương án đó là gì?

Bằng cách liên tục viết nhật ký chi tiêu như vậy trong khoảng 1 tháng, tôi dần tìm được những phương án thay thế mỗi khi cảm thấy buồn chán và muốn tiêu tiền.

Việc thứ 2 tôi làm đó là thực hành trì hoãn sự hài lòng. Tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì tôi muốn nếu chưa trải qua 10 tiếng chờ đợi, rồi tiếp tục tăng lên thành 14 tiếng chờ đợi và sau đó là 24 tiếng chờ đợi. Đó chính là thực hành trì hoãn sự hài lòng từ việc chi tiền mua vui. Về cơ bản, tôi nghĩ rằng cần có ý chí rất mạnh mẽ mới có thể làm được. Đó là lý do tôi đặt mốc thấp nhất là 10 tiếng chờ đợi, và tăng dần nó lên.

Trên thực tế, rèn luyện khả năng trì hoãn sự hài lòng là một yếu tố quan trọng để kiểm soát hành vi tiêu tiền bốc đồng.

Cuối cùng, tôi cố gắng hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích mua sắm. Tôi tắt hết thông báo từ các trang MXH và cả các app mua sắm. Quảng cáo, khuyến mãi và mạng xã hội có thể tạo ra những thôi thúc mua sắm mạnh mẽ mà đôi khi tôi không nhận ra. Chỉ sau khi bớt sử dụng MXH và bớt “kết nối” với các nền tảng mua sắm online, tôi mới nhận ra tôi bị chúng “kiểm soát” nhiều tới cỡ nào.

Hiện tại, nhờ tự tìm hiểu bản thân để có thể thay đổi bản thân, tôi đã có thể tự tin khẳng định bản thân có thói quen chi tiêu hợp lý, không còn cảnh tiêu hết gần nửa tháng lương chỉ trong 1 tuần nữa.