Loạt 'quân bài' chiến lược được Tập đoàn hàng đầu Việt Nam chuẩn bị để bước chân vào dự án 67,3 tỷ USD

Admin
Để chạy đà cho dự án trọng điểm lớn nhất cả nước, tập đoàn hàng đầu Việt Nam đã chuẩn bị cả về công nghệ, nhân lực, nhà máy.

Thời gian qua, Tập đoàn Hòa Phát nhiều lần bày tỏ mong muốn và sẵn sàng tham gia vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 67,3 tỷ USD, dài 1.541km. Để sẵn sàng cho dự án trọng điểm này, Hòa Phát đã và đang có hàng loạt sự chuẩn bị trong các lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, nhân lực, nhà máy.

Về công nghệ - kỹ thuật

Trong tháng 10 và tháng 11/2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu.

Loạt 'quân bài' chiến lược được Tập đoàn hàng đầu Việt Nam chuẩn bị để bước chân vào dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đoàn cán bộ kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm tại nhà máy sản xuất ray hàng đầu châu Âu - Voestalpine (Áo). Ảnh: VGP

Theo Báo Đầu tư, chuyến đi này là nhằm tham khảo cách bố trí dây chuyền thiết bị công nghệ cho nhà máy, cách thức vận hành tổ chức sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất, quy trình kiểm tra chất lượng xuyên suốt để quá trình sản xuất ray cho đường sắt tốc độ cao luôn ở cấp cao nhất.

Trên nền tảng sẵn có và thâm niên làm thép hàng chục năm qua, Hoà Phát cũng đã bắt đầu đàm phán về hợp tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật với các đối tác, nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép cho đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới hiện nay.

Tại hội thảo “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát" diễn ra ngày 21/11, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết: "Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt ở các nước đã triển khai loại tàu cao tốc này", bà Phạm Thị Kim Oanh nói và không quên nhắc lại lời Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long rằng Hòa Phát đủ năng lực làm đường ray cao tốc.

Theo lãnh đạo Hòa Phát, dự án đường sắt tốc độ cao cũng có sử dụng tới nhiều loại thép khác mà Hòa Phát đang sản xuất. 

"Để sản xuất thép cho đường ray tàu cao tốc cần phải có đế móng đường. Mà đế móng đường này lại cũng cần đến thép xây dựng. Các điểm chờ kết nối, nhà ga cũng cần phải sử dụng đến thép. Vì vậy, song hành với thép đường ray Hòa Phát cũng có thể cung cấp thêm cả thép xây dựng, tôn mạ, ống tôn, HRC cho dự án", tờ Nhịp sống Thị trường dẫn lời bà Oanh nói và khẳng định tham gia dự án là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thép và Hòa Phát.

Để nắm bắt cơ hội này, lãnh đạo Hòa Phát cho biết công ty sẽ nâng cao năng lực sản xuất, chuẩn bị mọi nguồn lực để đáp ứng các tiêu chí lựa chọn làm nhà thầu cho dự án và việc tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam có thể đóng góp cho dự án là trong khả năng.

Về nhân lực

Thời gian qua, Hòa Phát Dung Quất đã phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội liên tục tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao với 3 chủ đề chính, tập trung vào các loại thép đặc thù và kỹ thuật sản xuất phức tạp như: Thép làm tanh/bố lốp ô tô; thép kỹ thuật điện (thép Silic); thép làm đường ray cho tàu tốc độ cao.

Loạt 'quân bài' chiến lược được Tập đoàn hàng đầu Việt Nam chuẩn bị để bước chân vào dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 2.

Thép Hòa Phát Dung Quất phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu. Ảnh: VGP

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, theo bảng phân cấp chất lượng, thép làm ổ bi, lò xo van, lò xo hợp kim, thép làm tanh bố lốp ô tô… khó 10 thì làm thép đường ray tàu cao tốc chỉ ở mức 8.

"Đội ngũ kỹ sư công nghệ của Tập đoàn Hòa Phát đã làm chủ tốt công nghệ để cho ra đời những sản phẩm khó, chất lượng cao nhất như dây thép cho dập nguội, sợi thép hàn hồ quang, thép làm cáp thang máy, thép tấm kháng thời tiết năm 2021, đặc biệt thép cuộn làm tanh bố lốp ô tô (thép tirecord)", ông Long cho biết.

Về nhà máy

Hiện nay Hòa Phát đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên. Tại đây sẽ có Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.

Ngay sau khi có mặt bằng, Hòa Phát có thể sẵn sàng triển khai dự án sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc, cả về công nghệ, đội ngũ nhân lực và địa điểm sản xuất.

Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất thép đường ray cao tốc với kích thước mỗi thanh ray dài từ 50 m đến 100 m, và việc vận chuyển sẽ được thực hiện qua đường sắt thay vì sử dụng đường bộ để đưa sản phẩm tới các công trường.

Để vận chuyển sản phẩm tới các công trường bằng đường sắt, Tập đoàn Hòa Phát đã đề nghị Bộ GTVT xin ý kiến về chủ trương thực hiện việc kết nối tuyến đường sắt dài 12km nhằm kết nối nhà máy luyện kim và sản xuất thép của tập đoàn tại Khu công nghiệp Hòa Tâm với tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Không chỉ chuẩn bị cho Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, Hòa Phát còn có dự án Dung Quất 2 quy mô trên 280 ha, nằm cạnh Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Loạt 'quân bài' chiến lược được Tập đoàn hàng đầu Việt Nam chuẩn bị để bước chân vào dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất thép tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Ảnh: Hòa Phát

Dự án Dung Quất 2 có công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng (tương đương gần 3,5 tỷ USD), trong đó 35.000 tỷ đồng được 8 ngân hàng hợp vốn cấp tín dụng.

Đặc biệt, sau khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 hoàn thành, Hòa Phát sẽ nghiên cứu và sản xuất đường ray xe lửa cho đường sắt cao tốc tại nơi này. Đây là thông tin do ông Trần Đình Long tiết lộ trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, dây chuyền Khu liên hợp tại Dung Quất của Hòa Phát sử dụng công nghệ tiên tiến nhất từ châu Âu và các nước thuộc nhóm G7, thậm chí còn hiện đại hơn nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc.

Trả lời VietNamNet, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ rằng Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Chính phủ, đặc biệt đánh giá cao yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất vào các gói thầu.

“Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Đây là các loại thép mà Việt Nam đều sản xuất được”, ông Long cho báo trên hay.

Với vai trò là nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á và đứng trong top 50 thế giới, Tập đoàn Hòa Phát cam kết bốn điểm chính: Đảm bảo khối lượng theo yêu cầu; Duy trì tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; Đáp ứng đúng tiến độ giao hàng; Mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với hàng nhập khẩu.

Hiện nay với công suất 8,5 triệu tấn thép mỗi năm, Hòa Phát đang là nhà cung cấp thép lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, việc cung cấp 6 triệu tấn thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn toàn nằm trong khả năng của tập đoàn.

Thái Hà