Chúng ta phải thừa nhận rằng "lương không cao" là rào cản cho tất cả mọi mục tiêu trong cuộc sống, từ việc chi tiêu tiết kiệm hàng tháng cho tới cả những dự định lớn hơn như mua nhà, mua đất, mua ô tô.
Lương thấp đương nhiên không phải là điều gì sai trái hay đáng bị chỉ trích. Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải ai cũng chấp nhận để vấn đề tiền lương là tảng đá cản đường mình. Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh điều đó.
Lương cứng 28 triệu, chấp nhận "hy sinh" thời gian và sức khỏe để kiếm tiền
Cô vợ cho biết khoảng 1 năm gần đây, tiền lương của cô là 13 triệu đồng/tháng, tiền lương của chồng là 15 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập từ lương của 2 người là 28 triệu/tháng, trước đây thì thấp hơn. Dẫu vậy, tài sản hiện có của gia đình thì lại không "phải dạng vừa", gồm:

Ảnh minh họa
1. Một mảnh đất cho con trai, định giá ở thời điểm hiện tại khoảng 2,5 tỷ đồng
2. Một mảnh đất cho con gái, định giá ở thời điểm hiện tại khoảng 1,1 tỷ đồng
3. Một vài lô đất khác đang góp mua chung cùng bạn bè, tổng vốn bỏ ra cho khoản đầu tư này là 3 tỷ đồng
4. Một xe ô tô mua giữa năm 2019, giá 760 triệu đồng
5. Tài sản khác gồm vàng, tiền tiết kiệm và ngoại tệ, tổng cộng khoảng 200 triệu.
Với 5 tài sản như vậy, hiện tại, vợ chồng cô chỉ đang nợ 700 triệu.
"Hiện tại vợ chồng mình đang sống cùng bố mẹ chồng nên không mất tiền thuê nhà, và cũng có đóng góp tiền ăn, biếu ông bà tiền tiêu vặt hàng tháng. Tiền lương thực sự chỉ đủ ăn, biếu ông bà và lo học phí cho 2 con.
Còn lại tiền mua đất hay đầu tư đều là từ thu nhập ngoài. Có tháng được khoảng 80 triệu, có tháng thì 100-120 triệu. Để có được mức thu nhập tăng thêm như thế này thì 2 vợ chồng mình bán cả thời gian lẫn sức khỏe. 365 ngày, ngày nào mình cũng bắt đầu làm từ 7h30 sáng đến đêm.
Khoản nợ 700 triệu thì mình dự tính là đến Tết sẽ trả hết. Điều mình đang băn khoăn và muốn mọi người cho mình góc nhìn là liệu mình có nên tiếp tục đánh đổi thời gian, sức khoẻ kiếm tiền nữa không? Vì thực sự mình cũng 39 tuổi rồi, thấy sức khỏe cũng không được như xưa, nhưng ham kiếm tiền quá. Nhiều khi cũng muốn nghỉ ngơi nhưng lại sợ thế thì thiếu tiền mất" - Cô vợ chia sẻ.

Ảnh minh họa
Trong phần bình luận, phần lớn mọi người đều khuyên cô nên chú ý chăm lo sức khỏe, kiếm tiền quan trọng nhưng không có sức khỏe thì thực sự, tiền của nhiều cũng là vô nghĩa.
"Trước mắt em nghĩ là chị phải bỏ ra 5-10 triệu để đi khám sức khoẻ tổng quát đã. Tiền quan trọng nhưng sức khoẻ cũng quan trọng không kém. Em đoán chị cũng làm việc cật lực hơn chục năm rồi, nên giờ có thể cân nhắc giảm bớt thời gian làm việc đi thôi chứ không phải bỏ hẳn việc ngoài, thế thì vẫn có thêm thu nhập" - Một người khuyên,
"Em nghĩ phương án tối ưu nhất là bác xem 2 mảnh đất kia, có mảnh nào vị trí tiềm năng không thì đầu tư xây nhà, rồi cho thuê tạo nguồn thu nhập thụ động. Tài sản không ít nhưng không tạo ra dòng tiền thì hơi phí bác ạ" - Một người bày cách.
"Chắc chắn là không nên đánh đổi thời gian và sức khoẻ để lấy tiền rồi. Mình nghĩ là nếu tiếp tục đánh đổi thì bạn sẽ hối hận sau này đấy" - Một người thẳng thắn.
Tiền bạc, tài sản chưa bao giờ quan trọng hơn sức khỏe!
Chúng ta thường có xu hướng trì hoãn việc quan tâm đến sức khỏe để tập trung kiếm tiền. Càng kiếm được nhiều tiền, càng thấy tài sản trong tay tăng lên, người ta càng dễ quên mất rằng... mình không phải một cái máy. Và chẳng ai khỏe mãi, trẻ mãi nhưng cái khó ở đây là không dễ gì dừng lại được khi đang kiếm ra tiền.

Ảnh minh họa
Cảm giác có tiền, có tài sản rất dễ gây nghiện. Tâm lý "chỉ cố thêm một chút nữa" khiến nhiều người không dám nghỉ, không dám chậm lại, sợ rằng nếu ngừng guồng quay này thì sẽ bị tụt lại phía sau. Nhưng ít ai nhận ra, tốc độ kiếm tiền và tốc độ mất sức là mối quan hệ song song, tỷ lệ thuận với nhau.
Thay vì tiếp tục đánh đổi thời gian và sức khỏe, có lẽ đây là thời điểm phù hợp để cô vợ trong câu chuyện phía trên "đi chậm lại".
Suy cho cùng, tiền bạc là phương tiện để sống thoải mái hơn, chứ không phải là thứ khiến người ta quên mất bản thân, coi thường sức khỏe. Có thể bây giờ mình vẫn còn sức, vẫn gồng được nhưng nếu cứ tiếp tục đánh đổi mà không có điểm dừng, thì đến một lúc nào đó, sự trả giá sẽ không nằm ở tiền, mà ở chính cơ thể, tinh thần và những mối quan hệ xung quanh.
Biết dừng đúng lúc không phải là bỏ cuộc, mà là một lựa chọn tỉnh táo. Đôi khi, đi chậm lại một chút mới là cách để đi đường dài. Và biết đâu, chính khi không còn mải miết chạy theo những con số, người ta lại thấy rõ hơn điều gì là thật sự quan trọng với mình.