Lý do Việt Nam có thể nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới

Admin
Việt Nam từ lâu được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam lại có thể trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu trong thời gian tới.

Vì sao nhập kh ẩu gạo ?

Mặc dù là một “vựa lúa” của thế giới, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm nay Việt Nam có thể trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, với sản lượng dự kiến đạt 4,1 triệu tấn. Thực tế này khiến nhiều người bất ngờ, nhưng lại phản ánh một chiến lược sản xuất - thương mại phức hợp và linh hoạt của ngành hàng lúa gạo trong nước.

Lý do Việt Nam có thể nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới- Ảnh 1.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VFA cho biết - việc Việt Nam nhập khẩu gạo không bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung như ở các quốc gia khác, mà là nhằm phục vụ nhu cầu chế biến thực phẩm trong nước và đảm bảo ổn định nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu vào những thời điểm giáp vụ.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chuyển hướng sang sản xuất gạo chất lượng cao, phù hợp với các thị trường khó tính. Tuy nhiên, ngành chế biến trong nước - vốn sản xuất các sản phẩm như bún, miến, bánh tráng, phở - lại cần loại gạo có giá thành rẻ, hàm lượng tinh bột cao. Đây là phân khúc mà Campuchia đang đáp ứng rất tốt với giá cả hợp lý. Vì thế, trong hai tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,1 triệu tấn lúa từ Campuchia - tương đương 600.000 tấn gạo.

Động thái này không chỉ giúp giải quyết những khó khăn tạm thời về nguồn cung mà còn tận dụng được mối quan hệ với các đối tác thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các đơn hàng lớn.

Chiến lược “nhập để xuất” đang hình thành một mô hình thương mại linh hoạt, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm điều phối cung - cầu. Nghịch lý giữa việc vừa xuất khẩu mạnh mẽ, vừa nhập khẩu lớn không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong nền nông nghiệp hiện đại mà còn báo hiệu một bước chuyển đổi quan trọng: Từ sản xuất đại trà sang phát triển chuỗi giá trị bền vững, từ “lúa nhiều” sang “gạo chất lượng cao”.

Xuất khẩu gạo vượt Thái Lan

Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, sánh ngang với Ấn Độ và Thái Lan. Theo dự báo của USDA, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu tới 7,9 triệu tấn gạo, vượt qua Thái Lan (7 triệu tấn) để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 toàn cầu, sau Ấn Độ (24,5 triệu tấn).

Sự tăng trưởng của gạo Việt đến từ nhu cầu bền vững của các thị trường truyền thống như Philippines và sự trở lại của khách hàng lớn là Trung Quốc. Ngoài ra, các quốc gia châu Phi cũng đang có nhiều kỳ vọng sẽ trở thành những nhà nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong năm nay.

Lý do Việt Nam có thể nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới- Ảnh 2.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa: IT.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trên thị trường quốc tế, giá gạo Việt Nam đang giữ mức cạnh tranh so với các đối thủ. Gạo 5% tấm hiện có giá khoảng 397 USD/tấn - thấp hơn Thái Lan nhưng vẫn cao hơn so với Ấn Độ và Pakistan.

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,75 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù sản lượng xuất khẩu có xu hướng giảm, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao nhờ vào việc tăng cường xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao như gạo thơm và đặc sản. Đặc biệt, gạo ST25 - một trong những giống gạo đặc sản nổi tiếng của Việt Nam - đã đạt mức giá xuất khẩu lên đến 1.200 USD/tấn, vượt xa so với các loại gạo thơm cao cấp khác trên thị trường quốc tế.