Mô hình chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp là dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam

Admin
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chính phủ sẽ ban hành 25 Nghị định để triển khai kịp thời cho việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp.

Sáng 14/5, sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật. Các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, toàn diện, thực tiễn, xác đáng để cùng nhau tham gia vào dự thảo có ý nghĩa của một nền hành chính nhà nước. Đây được coi là dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam, vì lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp.

"Đây là một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện mang tính kiến tạo sâu sắc, phản ánh tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương của đồng chí Tổng Bí thư, của Quốc hội, của Chính phủ để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới" - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Mô hình chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp là dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu một số nguyên tắc và yếu tố xuyên suốt của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, để thay đổi nền hành chính địa phương, Cơ quan soạn thảo đã xây dựng trên 4 yếu tố cơ bản: Xác lập chỉnh thể cấu trúc pháp lý của chính quyền địa phương hai cấp trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan đến Hiến pháp đang sửa đổi và trên nền tảng để thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 60 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 vừa qua, theo một số chủ trương lớn của Đảng trong tổng thể của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, trong mục tiêu yêu cầu xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

Kế thừa, bổ sung, phân định thẩm quyền về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, làm cơ sở pháp lý để toàn bộ hệ thống pháp luật chuyên ngành sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.

Minh định thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương trong tình hình mới, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thiết lập đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý để tháo gỡ tất cả khó khăn, rào cản, vướng mắc cho việc chuyển đổi chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp, nhưng gắn với việc thực hiện được ngay việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương để địa phương thực hiện đúng mục tiêu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng giải trình về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến nguyên tắc phân định, phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương…

"Ngay sau đây, Chính phủ sẽ ban hành 25 Nghị định để triển khai kịp thời cho việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp và kịp thời triển khai phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.