Mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam lên 6 làn xe: Doanh nghiệp kiến nghị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư

Admin
Bộ Xây dựng cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài khoảng 2.063km (đã đưa vào khai thác 1.443km, đang thi công khoảng 597km), chủ yếu quy mô 4 làn xe. Để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao, Bộ Xây dựng đề xuất ưu tiên mở rộng các đoạn thuộc tuyến Hà Nội - TPHCM. Tuyến này gồm 8 dự án giai đoạn 2017-2020 và 10 dự án giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư khoảng 152.102 tỷ đồng.

Đề xuất sử dụng vốn đầu tư công

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong số 18 dự án thành phần nói trên chỉ có 4 dự án đầu tư công giai đoạn 2017-2020, gồm các đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây được đánh giá có nhu cầu vận tải cao nhờ vị trí chiến lược tại các cửa ngõ giao thông quan trọng, có thể thu phí hoàn vốn dự kiến từ 3-13 năm, không cần hỗ trợ ngân sách nhà nước.

Mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam lên 6 làn xe: Doanh nghiệp kiến nghị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư- Ảnh 1.

Riêng 3 dự án BOT gồm Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nếu mở rộng lên 6 làn xe có thể gây khó khăn tài chính do các nhà đầu tư đã huy động nguồn lực trước đó. Còn lại 11 dự án chủ yếu thuộc các đoạn có nhu cầu vận tải chưa cao, hiệu quả kinh tế không khả quan, nếu áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP), thời gian thu phí hoàn vốn trung bình lên đến 27 năm.

Nhằm tối ưu hóa hiệu quả, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục sử dụng vốn đầu tư công để mở rộng các tuyến cao tốc Hà Nội - TPHCM. Sau khi hoàn thành, dự kiến từ tháng 1-2026, Nhà nước sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả ngân sách, giữ mức phí hợp lý, không mang tính kinh doanh, đảm bảo lợi ích hài hòa cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy, phương án này không chỉ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mà còn tránh đầu tư chồng lấn, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng kết nối giao thông.

Nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia

Mặc dù Bộ Xây dựng đề xuất sử dụng vốn đầu tư công, nhưng nhiều nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mong muốn được tham gia theo hình thức PPP. Cụ thể, Tập đoàn Sơn Hải kiến nghị cho phép nghiên cứu lập hồ sơ đầu tư mở rộng hoàn chỉnh 679km tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Dầu Giây (Đồng Nai); Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị đầu tư mở rộng các đoạn cao tốc Bắc - Nam từ 4 lên 6 làn xe theo quy hoạch cũng bằng phương thức PPP; Công ty Phương Thành mong muốn đầu tư hơn 200km các đoạn Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh và Phan Thiết - Dầu Giây...

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tập đoàn cam kết thu xếp tài chính từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước, tính toán phương án thu hồi vốn hợp lý và minh bạch. Tương tự, Tập đoàn Sơn Hải cũng cam kết tự thu xếp tài chính, hoàn thành đầu tư trong 24 tháng, bảo hành công trình 10 năm.

Theo PGS-TS Trần Chủng, việc các doanh nghiệp chủ động đề xuất tham gia dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam thể hiện đúng với tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới. Đó là doanh nghiệp tư nhân chủ động tham gia trực tiếp vào các dự án trọng điểm quốc gia, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo phương thức PPP trong thời gian gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư có năng lực tốt, rút ngắn được tiến độ dự án, đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam cũng nhìn nhận: “Khi áp dụng đầu tư PPP, Nhà nước sẽ giao cho nhà đầu tư vận hành, bảo trì dự án theo hợp đồng từ 10 đến 20 năm và thu phí hoàn vốn đầu tư. Do đó, doanh nghiệp có động lực xây dựng công trình chất lượng tốt để giảm chi phí sửa chữa về sau”.

Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo bộ nghiên cứu các đề xuất của doanh nghiệp, đánh giá và so sánh các phương án để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án hiệu quả tối ưu, sớm khởi công và hoàn thành dự án để đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Để các nhà đầu tư tư nhân đủ lực tham gia dự án, các chuyên gia cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Hiện các nhà đầu tư phải có khoảng 20% vốn chủ sở hữu, 80% là vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lại đang bị khống chế bởi hạn mức tín dụng (room), dẫn đến không thể cấp đủ vốn cho những dự án lớn. Điều này đã từng xảy ra khi 5/8 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 dự kiến được đầu tư theo hình thức PPP bị các ngân hàng từ chối, không cung cấp tín dụng và buộc phải chuyển sang đầu tư công.