Mục tiêu xuất khẩu tăng 4 tỷ USD/tháng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì?

Admin
Năm 2025, xuất khẩu hàng hóa phải đạt và phấn đấu tăng trưởng từ 12% - 14%, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cao của cả nền kinh tế năm nay.

Năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá. Xuất khẩu hàng hóa phải đạt và phấn đấu tăng trưởng từ 12% - 14%, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cao của cả nền kinh tế năm nay. Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài THVN.

PV: Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ trên 8% - 10% và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Xuất khẩu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nằm trong cỗ xe tam mã. Vậy ngành Công thương đặt mục tiêu thế nào cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu để góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm nay?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa phải đạt từ 12% trở lên. Tôi cho rằng đây là một mục tiêu rất thách thức. Vì như vậy, trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD so với mức bình quân tháng của năm 2024 trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Ngành Công Thương dự kiến sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng; đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược.

Thứ hai là, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, phát huy và nâng cao vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những diễn biến của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng các giải pháp để ứng phó phù hợp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hình thức xúc tiến, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số. Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.

* Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tiêu dùng là một trong những động lực chính cho tăng trưởng trong nước. Vậy chúng ta đặt kỳ vọng thế nào và có giải pháp ra sao cho động lực tăng trưởng này?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương kỳ vọng vào sự phục hồi và mở rộng mạnh mẽ của sức mua thị trường trong nước thông qua việc giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm trong các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, công nghiệp, năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời thúc đẩy phát triển các hình thức thương mại, các loại thị trường, nhất là phát triển các mô hình phân phối hiện đại, kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu dùng.

Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Thứ hai, bảo đảm nguồn cung ổn định, nhất là việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; chú trọng phát triển hệ thống logistics nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả phân phối; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thứ ba, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nâng cao vai trò của các trung tâm thương mại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Thứ tư, tăng cường kết nối cung cầu. Và cuối cùng, bảo đảm ổn định thị trường, chú trọng phối hợp với các địa phương xây dựng phương án cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả.

*Xin cảm ơn Bộ trưởng!