Tiếng vợt gãy vang lên, lời chửi thề chát chúa xé toạc bầu không khí vốn tưởng chừng sôi nổi và vui vẻ. Trọng tài giật mình lùi lại, tránh cú đòn của vận động viên đang mất kiểm soát. Mọi thứ trở nên hỗ loạn.
Đó là khung cảnh không còn xa lạ trên nhiều mặt sân pickleball, đặc biệt ở các giải phong trào và bán chuyên. Người cầm còi không chỉ là "người giữ luật", mà còn buộc phải học cách tự vệ, sẵn sàng hứng chịu mọi cơn giận dữ của những vận động viên không giữ được bình tĩnh. Một quyết định bắt lỗi, một điểm số gây tranh cãi có thể ngay lập tức biến họ thành mục tiêu của những lời lẽ xúc phạm, đe dọa, thậm chí bạo lực.
Nghịch lý ở chỗ, họ chấp nhận tất cả rủi ro ấy với mức thù lao không quá nhiều như đồn đoán, đôi ba trăm nghìn đến hơn một triệu đồng mỗi trận, không hợp đồng lâu dài, không bảo hiểm rủi ro. Phía sau bề ngoài náo nhiệt, sôi động của môn thể thao đang phát triển mạnh mẽ là một thực tế ít người muốn nhìn thẳng, nghề trọng tài pickleball vẫn thường bị bỏ quên. Luật lệ cần được tôn trọng nhưng dễ dàng bị chà đạp khi cái tôi của vận động viên bùng nổ.
Để hiểu hơn về công việc của trọng tài pickleball, những nỗi lo của người "cầm cân nảy mực", chúng tôi tìm gặp anh Minh, người từng cầm còi trên nhiều mặt sân để lắng nghe câu chuyện về thu nhập, áp lực, hiểm nguy và cả hy vọng về một sân chơi văn minh, công bằng hơn cho pickleball trong tương lai.

Đi làm trọng tài pickleball vì đam mê
Anh Đinh Công Minh từng tổ chức các giải bóng bàn, bóng đá trước khi pickleball bắt đầu nổi ở Việt Nam. Khi nghe mở lớp trọng tài đầu tiên do Cục TDTT tổ chức năm 2024, anh liền đăng ký. "Cái máu tổ chức nó ăn vào người rồi. Mà pickleball lúc đấy đang hot. Đi học để có kiến thức làm cho đúng".

Trọng tài Công Minh tự nhận mình là người "có máu tổ chức". Ngày thường, anh chẳng ngại leo cầu thang lắp đường điện, hàn khung sắt, sửa cái vòi nước rò. Nhưng cứ cuối tuần là xỏ giày thể thao, khoác vẻ nghiêm túc lên sân. Có người bảo nhìn anh ngoài đời hiền như cục đất, nhìn ông thợ dân dụng "quê quê". Nhưng lúc cầm bảng điểm, hô điểm số, quyết định "in" hay "out" thì không có chuyện nhún nhường.
"Ngày thường vẫn phải đi làm dân dụng. Ai gọi gì làm nấy. Sửa điện nước, hàn sắt, đóng kệ… Làm trọng tài là vì đam mê thôi", trọng tài Công Minh chia sẻ.
Trọng tài Đinh Công Minh chia sẻ về cơ duyên đến với Pickleball (Video: Như Hoàn)
Anh nói nghe đơn giản nhưng cái "đam mê" ấy cũng không dễ duy trì. Pickleball ở Việt Nam còn mới, nhiều nơi chưa có ghế cao cho trọng tài. Anh Minh kể mấy sân nắng như đổ lửa, phải đứng suốt từ sáng tới chiều, không dám lơ đãng nửa giây.
Công việc nghe qua tưởng nhẹ nhàng, nhưng anh Minh lắc đầu: "Không dễ đâu. Trọng tài pickleball đứng cả trận, mấy sân chẳng có ghế ngồi, nắng chang chang cũng phải trụ. Các môn khác còn có ghế cao cho trọng tài. Môn này mình phải bao quát hết sân. Đứng từ sáng tới tối là chuyện bình thường".
Thu nhập nghề trọng tài Pickleball không "hậu hĩnh" như lời đồn
Không chỉ vất vả khi làm việc, thu nhập của trọng tài pickleball luôn là chuyện khiến nhiều người tò mò rồi đồn thổi. Ai đó ngoài sân nghe phong phanh vài trăm nghìn một trận liền nhăn mặt: "Ít vậy à?" Nhưng cũng có lời đồn thổi trên mạng rằng trọng tài pickleball "ăn dày", có tháng kiếm tới vài chục triệu. Ở một môn thể thao mới nổi, chưa có hệ thống chuyên nghiệp hẳn, thật khó để bóc tách rõ ràng.
Sự thật thì ít ai nói rõ. Người ngoài nhìn vào thấy trọng tài chỉ cần đứng chỉ tay hô rồi lĩnh tiền nhưng không mấy ai hỏi làm vậy thì được bao nhiêu tiền một tháng? Có đủ để coi như một nghề? Hay chỉ là công việc tay trái, để thỏa đam mê cuối tuần?

Trọng tài Công Minh không chẳng giấu giếm thực tế hơi chát đắng của công việc mà anh vẫn yêu.
"Nhiều người hỏi tôi làm trọng tài pickleball giàu không, thời điểm hot nhất thì một tuần làm khoảng 5 ngày, nhưng tính ra thực tế chỉ được tầm 3 ngày rưỡi. Giờ thì chủ yếu thứ Bảy, Chủ Nhật. Một tháng đều lắm cũng được 7–8 triệu".
Anh lắc đầu khi nhắc đến những tin đồn nghe qua tưởng dễ mừng: "Trên mạng có người bảo trọng tài pickleball kiếm 20–30 triệu. Nói thật là không có đâu. Đây là nghề tay trái thôi. Ngày thường tôi vẫn đi làm dân dụng. Ai gọi gì thì làm nấy,sửa điện, nước, hàn sắt. Làm trọng tài là vì đam mê thôi".
Trọng tài Đinh Công Minh chia sẻ về thu nhập của nghề trọng tài Pickleball (Video: Như Hoàn)
Nhưng công việc trọng tài pickleball không chỉ mệt ở chỗ đứng nắng cả ngày, không ghế ngồi. Đằng sau tiếng còi dõng dạc và bảng điểm cầm tay còn là những tình huống rất "con người" – thứ mà anh Minh nói mới là thử thách khó nhất.
Anh giải thích chậm rãi, như thể muốn mọi người hiểu rằng làm trọng tài không chỉ là thuộc luật và chỉ tay. Đó còn là nghệ thuật lắng nghe, kiềm chế và thuyết phục. Và quan trọng nhất là giữ được sự công tâm dù xung quanh không thiếu áp lực và cám dỗ.
Anh Minh tự nhận trọng tài phải sẵn sàng cho đủ thứ bất ngờ trên sân, từ tranh luận nhỏ đến cãi vã nảy lửa. Rồi anh bắt đầu kể, giọng vẫn bình thản nhưng ánh mắt hơi trầm xuống khi nhớ lại:
"Thường trong thể thao tính kịch tính rất lớn. Nhiều vận động viên, cổ động viên gây áp lực về các tình huống. Bóng đúng sai, trong ngoài, lỗi hay không lỗi. Thậm chí có những cổ động viên còn mua chuộc, bắt thiên vị cho đội này nếu có thì sẽ có cái gì đấy.
Tôi đã từng gặp rất nhiều nhưng đã làm trọng tài thì buộc phải theo quy tắc. Cụ thể nhất ở giải Vĩnh Hưng. Đó là một tình huống bóng ngoài sân mà lúc ấy là 9-8 trong ste 11 rồi. Cả cổ động viên, cả vận động viên nhảy xô vào trọng tài. Tuy nhiên với cương vị trọng tài thì đã bắt trong là trong, ngoài là ngoài và đưa ra quyết định cuối cùng. Ở trận đấu đấy vận động viên ở đội mất điểm đã dừng trận và yêu cầu kiện lên tổng trọng tài, tôi đồng ý luôn vì đã làm việc hết trách nhiệm của trọng tài".

Trọng tài pickleball trở thành nghề tay trái của Đinh Công Minh (Ảnh: NVCC)
Tuy vậy, anh không tự nhận mình cứng nhắc. Giọng bỗng dịu lại, pha chút tếu táo rất thật:
"Làm trọng tài cũng phải biết thông cảm. Nhiều lúc phải giả điếc một chút. Người ta nóng thì lời ra không hay. Mình cứ chấp nhặt từng câu là mệt lắm. Với nghề này, tôi từng nghe một trọng tài nói rằng là thành công nhất của trọng tài sau mỗi giải đấu là không ai nhớ đến mình. Trọng tài càng ít vận động viên biết đến mình càng tốt, thì giải mới thành công. Có nghĩa là sau giải đấu không có "phốt".



Trọng tài Công Minh đến với nghề vì đam mê (Ảnh: PH)
Khi được hỏi sao vẫn bám lấy công việc này dù vất vả, Minh nở nụ cười:
"Vui lắm chứ. Cuối tuần được ra sân, gặp gỡ nhiều người, xem người ta đánh hay. Mình làm đúng thì cũng tự hào chứ. Mong nhất là sau này pickleball ở Việt Nam chuyên nghiệp hơn, có tổ chức đàng hoàng, chế độ cho trọng tài cũng tốt hơn. Chứ giờ thì cứ làm thêm thôi, nhưng vẫn hy vọng tương lai sẽ khác".
Dù pickleball phát triển nhanh, nghề trọng tài ở Việt Nam vẫn chỉ là công việc làm thêm cuối tuần, với mức thu nhập khiêm tốn và nhiều áp lực ít người nhìn thấy. Trên sân, họ là người cầm còi giữ luật, sẵn sàng đối diện tranh cãi, tiếng la ó và những phút nóng nảy của vận động viên lẫn khán giả.
Khi trận đấu kết thúc, trọng tài cũng lặng lẽ cất bảng điểm, tháo giày, trở về công việc thường ngày. Không có ánh hào quang, không mấy ai nhớ tên. Nhưng họ vẫn tin rằng, chừng nào còn người đủ kiên nhẫn và công tâm để đứng giữa sân mà hô "in" hay "out", chừng đó cuộc chơi còn giữ được sự công bằng mà thể thao cần có.