Nghiên cứu trở lại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận: Lựa chọn tối ưu “3 trong 1"

Admin
Việc nghiên cứu trở lại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được cho là sự lựa chọn tối ưu - cùng lúc đạt được 3 mục tiêu trong một dự án - đó là: đảm bảo công nghệ đã được kiểm chứng; nhanh có thêm nguồn điện công suất lớn; tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, nguồn nhân lực, qua đó giảm đáng kể sự lãng phí.

Đánh giá cao chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam trong phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng: "Tôi tin là Ninh Thuận đến nay vẫn là lựa chọn tốt, bởi vì khi chúng ta đã xem xét, tái khởi động dự án điện hạt nhân và với công nghệ ở quy mô lớn, lò công suất lớn thì đương nhiên địa điểm Ninh Thuận đã được lựa chọn rất kỹ lưỡng trong giai đoạn chuẩn bị thì chúng ta không nên đi làm lại một lần nữa vừa tốn kém, vừa mất thời gian, và nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ".

Có thể trong quá trình lựa chọn mới chẳng hạn thì chưa chắc đã có những địa điểm tốt, hoặc là những vị trí, hoặc là vấn đề về quản lý, sử dụng đất thì có thể sẽ có những vướng mắc hơn so với Ninh Thuận, vì hiện nay theo tôi được biết là đất được quy hoạch cho dự án điện hạt nhân thì nó vẫn có thể được sử dụng lại.

Nghiên cứu trở lại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận: Lựa chọn tối ưu “3 trong 1"- Ảnh 1.

Đồng quan điểm này, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội năng lượng Việt Nam Nguyễn Thái Sơn nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu trở lại dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm về thời gian và tiền bạc:

"Nếu như thế chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều về thời gian. Thời gian ở đây là khoảng cỡ 4-5 năm trong việc tìm kiếm địa điểm, rồi thời gian chúng ta nghiên cứu những công nghệ rồi là những cái phát triển sắp tới -  mà quan điểm này thì theo tôi suy nghĩ là gần đây Tổng Bí thư cũng đã có yêu cầu là cần phải hoạt động có hiệu quả, tránh lãng phí. Nếu mà sử dụng, tận dụng được những nghiên cứu quá khứ này và những nghiên cứu này thì cũng là rất tốt rồi, thì chúng ta nên đi theo hướng này để tiết kiệm cả thời gian, tiết kiệm cả nhân lực và tiết kiệm và tiền bạc"- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội năng lượng Việt Nam nói.

Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo hạt nhân, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam Lê Đại Diễn ghi nhận điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch, ổn định và về lâu dài cho nhiều hiệu quả về giá thành điện cũng như giảm phát thải. Tuy nhiên, với các lò phản ứng modun nhỏ cho giá thành điện đắt hơn nhiều so với các công nghệ từ 800-1.200MW. Do đó, cần nghiên cứu trở lại dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận để rút kinh nghiệm qua thực tế đã triển khai, tránh đầu tư dàn trải, chống lãng phí các nguồn lực đã được đầu tư, trong đó có nguồn nhân lực đã được đầu tư rất lớn.

"Các nhà máy điện hạt nhân có thể sản xuất năng lượng không cacbon rất đáng tin cậy, 24/7, trong mọi điều kiện thời tiết và hoạt động có thể tới 2 năm mà không cần phải tiếp nhiên liệu gì cả. Thực ra mà nói thì phát triển ĐHN cũng như bất kỳ một cái nào khác đều có những thời điểm, có cơ hội, chúng ta lựa chọn được công nghệ tốt về mặt an toàn cũng như về mặt kinh tế. Điều quan trọng hơn nữa là lựa chọn đối tác trong tầm ngắm chiến lược của mình. Điểm thứ ba nữa là chúng ta đã trải qua một thời gian để chúng ta triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nên chúng ta cần phải đánh giá, cần phải nghiên cứu, xem xét lại các công việc mà chúng ta đã làm trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí tiền bạc, tài chính và nguồn lực. Những cái gì chúng ta đang làm được, kết quả đáng tin cậy, cần được tiếp tục sử dụng, những gì chúng ta làm chưa tốt thì cũng cần rút kinh nghiệm"- ông Lê Đại Diễn thông tin.

Mới đây, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng (thuộc Hiệp hội năng lượng Việt Nam) cũng đã đưa ra các phân tích rằng, sau thời gian nghiên cứu đánh giá tìm địa điểm từ 2010 đến 2014 của các chuyên gia Việt Nam và đối tác, với chi phí khá tốn kém, Chính phủ đã xác định được hai địa điểm Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 phù hợp nhất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đến nay, các đánh giá vẫn còn giá trị, không thay đổi.

Với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, cần sớm đưa điện hạt nhân vào xem xét như là một nguồn điện trong tương lai để đáp ứng nhu cầu điện năng, đặc biệt xem xét bổ sung trong Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể với các địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) tại Ninh Thuận cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai.

Vấn đề cung cấp điện năng đang là nhiệm vụ lớn, quan trọng, cần đi trước một bước, đặc biệt các nguồn điện chạy phụ tải nền chỉ có thể là thuỷ điện có hồ điều tiết nhiều năm, nhiệt điện và điện hạt nhân. Cũng cần rà soát lại các địa điểm còn lại (6 địa điểm trong 8 địa điểm đã được quy hoạch) và có chính sách hợp lý trong quy hoạch tiếp theo cùng với bài toán phát triển điện năng quốc gia.

Theo Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng (thuộc Hiệp hội năng lượng Việt Nam, việc giữ lại 8 địa điểm nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010) cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm. Vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.