Nữ NSND đầu tiên hát Bài ca thống nhất lịch sử, đứng ra bảo vệ Long Nhật vì một điều

Admin
“Nhưng tôi là người đi theo dòng nhạc trữ tình quê hương này, nên tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, lắng nghe người ca sĩ hát Bolero như Long Nhật” – NSND Thu Hiền nói.

Nữ NSND đầu tiên hát Bài ca thống nhất dịp giải phóng miền Nam

NSND Thu Hiền tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hiền, sinh năm 1952 tại Thái Bình, trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha bà là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca liên khu V (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), mẹ bà là diễn viên chèo tuồng Thanh Hảo, con gái một ông bầu hát nổi tiếng.

Nữ NSND đầu tiên hát Bài ca thống nhất lịch sử, đứng ra bảo vệ Long Nhật vì một điều- Ảnh 1.

NSND Thu Hiền

Từ nhỏ, Thu Hiền đã được sống trong những làn điệu dân ca cổ truyền, đặc biệt là dân ca miền Trung (do cha là nghệ nhân hát bài chòi). Nhờ đó, bà sớm hình thành năng khiếu và đam mê ca hát. Mới 10 tuổi, Thu Hiền đã bắt đầu bước chân khỏi gia đình để đi hát và theo đoàn Văn công Giải phóng vào chiến trường.

Nhận thức được vai trò, sứ mệnh của một nghệ sĩ trong giai đoạn chiến tranh đổ lửa, từ năm 1967 đến 1968, Thu Hiền cùng đoàn quân khu Tây Bắc vào biểu diễn phục vụ động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân tuyến lửa miền Trung, cụ thể là công tác tại quân khu 4, nơi khói lửa ác liệt nhất. Tại đây, nữ nghệ sĩ miệt mài dùng tiếng hát át tiếng bom, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, đi hát ngày đêm giữa làn bom đạn.

Bà xúc động nhớ lại tại chương trình Giai điệu kết nối: "Lúc đó đất nước chưa thống nhất, chúng tôi phải vào Đường 9, vào chiến trường, hát không có micro, phải cắm que tre vào ống bơ để hát cho giọng vang ra. Nhiều lúc còn không có những cái đó, chúng tôi phải hát bo trên địa đạo, nhưng vẫn cứ vui và hát, miễn là phục vụ được cho quân dân".

Cũng nhờ thời gian này, Thu Hiền ngày càng gắn bó với mảnh đất miền Trung, thấu hiểu tình cảm, cốt cách người dân nơi đây. Đó là lý do vì sao Thu Hiền hát dân ca theo giọng miền Trung rất hay, ngọt ngào và thấm đậm cảm xúc, dù bà là người Bắc. Tiếp đó, Thu Hiền cùng đoàn văn công vượt tuyến vào miền Nam.

Sau những năm tháng phục vụ ở chiến trường, năm 1971, NSND Thu Hiền ra Bắc vào đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương để theo đuổi sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Bà được Đoàn Ca nhạc Dân tộc gửi lên Nhạc viện học thanh nhạc. Người đầu tiên bà được học là NSƯT Thúy Hiền, sau đó là NSND Trung Kiên.

Nữ NSND đầu tiên hát Bài ca thống nhất lịch sử, đứng ra bảo vệ Long Nhật vì một điều- Ảnh 2.

Thời gian ở trường, Thu Hiền học luyện thanh theo những bài hát cổ điển của Tây. Bà từng chia sẻ: "Nói thật là lúc đầu cũng khó khăn với tôi lắm vì nó quá mới mẻ, xa lạ. Từ một người quê mùa từ chiến trường ra như tôi, vào Nhạc viện đã lạ rồi, lại luyện thanh theo phương pháp cổ điển thì khó quá.

Hồi xưa tôi luyện hát là chỉ luyện sao cho âm thanh phát ra to để hát được trong chiến trường và hát bằng sự nhiệt tình của trái tim. Tới lúc vào Nhạc viện, tôi học mấy cái đó mới khó".

Sau này, NSND Thu Hiền về nhà hát và được học NSND Thanh Huyền cách hát dân ca.

Từ đây, bà được chứng kiến và gắn bó sự nghiệp, tiếng hát của mình với những giai đoạn quan trọng của lịch sử cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Rất nhiều sự kiện quan trọng có sự hiện diện của Thu Hiền.

NSND Thu Hiền cũng gắn liền tên tuổi với ca khúc kinh điển Bài ca thống nhất, được viết vào chính giai đoạn lịch sử thống nhất đất nước năm 1975. Bà là người thu âm ca khúc này đầu tiên năm 1976, phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam và cũng là người hát nó thành công nhất, đi qua nhiều năm tháng vẫn không phai mờ.

Nhờ những đóng góp to lớn với nền nhạc Cách mạng, Thu Hiền được phong Nghệ sĩ ưu tú từ rất sớm (năm 1984 – ngay đợt phong tặng đầu tiên) và tới 1993 đã được xét duyệt phong tặng Nghệ sĩ nhân dân.

Nữ NSND đầu tiên hát Bài ca thống nhất lịch sử, đứng ra bảo vệ Long Nhật vì một điều- Ảnh 3.

Dù không phải nghệ sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc và cũng không giảng dạy trực tiếp tại trường lớp, nhưng nhờ vốn liếng kinh nghiệm riêng, bà vẫn được nhiều học trò theo học. Các sinh viên Nhạc viện muốn theo đuổi dòng dân ca thường được gửi sang học riêng với Thu Hiền.

Mối ân tình với Long Nhật khiến anh không thể quên

Dù là một nghệ sĩ hát nhạc Cách mạng gạo cội nhưng NSND Thu Hiền lại có tấm lòng cởi mở, yêu nghệ sĩ, yêu tất cả các dòng nhạc khác nhau, đặc biệt với dòng nhạc Bolero. Vì thế, nữ nghệ sĩ đã đứng ra bảo vệ một ca sĩ Bolero là Long Nhật. Đây là mối ân tình lớn mà cả đời Long Nhật không thể quên.

Vào giai đoạn 1990, 1991, NSND Thu Hiền được mời làm giám khảo chấm rất nhiều cuộc thi, trong đó có Hội thi chuyên nghiệp quốc gia và có Long Nhật tham gia. Lúc đó, Long Nhật đã hát Bolero rồi và đem Bolero đi thi.

Bà kể lại tại chương trình Duyên phận: “Tôi nói thật, thời điểm đó, việc ca sĩ đi hát Bolero rất khó khăn, chưa cởi mở như bây giờ, nên không dễ gì chấm được cho Long Nhật.

Nữ NSND đầu tiên hát Bài ca thống nhất lịch sử, đứng ra bảo vệ Long Nhật vì một điều- Ảnh 4.

Thu Hiền và Long Nhật

Nhưng tôi là người đi theo dòng nhạc trữ tình quê hương này, nên tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, lắng nghe người ca sĩ hát Bolero như Long Nhật. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghe một người ca sĩ hát Bolero bằng xương bằng thịt, chứ trước đó chỉ nghe trên băng đĩa cũ của Sài Gòn xưa thôi.

Tôi nghe Long Nhật hát rất có hồn, đậm nét văn hóa vùng miền. Là một người nghệ sĩ hát nhạc dân gian, anh phải hiểu được văn hóa vùng miền mới hát ra được hơi thở của vùng miền đó.

Tôi nghe Long Nhật hát Bolero mà đi sâu vào lòng, cảm thấy rưng rưng. Anh Việt Khu ngồi đó bảo tôi, bài này hay nhưng lại là nhạc ông Hoàng Thi Thơ. Tôi bảo luôn, nếu là nhạc của Hoàng Thi Thơ thì hay quá chứ gì nữa.

Tôi đã lắng nghe chú Hoàng Thi Thơ rất nhiều vì chú là người Quảng Trị, mà tôi từng sống tại Quảng Trị.

Đã thế, các thầy ở trường cứ hay chấm theo học thuật, tròn vành rõ chữ, nhưng hát dân ca mà học thuật quá thì làm sao mà hay được".

Nữ NSND đầu tiên hát Bài ca thống nhất lịch sử, đứng ra bảo vệ Long Nhật vì một điều- Ảnh 5.

Mối ân tình này của Thu Hiền khiến Long Nhật luôn nhớ đến. Chính vì vậy, anh đã mời bà làm khách mời hát tại liveshow kỷ niệm 35 năm sự nghiệp ca hát của mình.

Tại đây, Long Nhật còn tiết lộ được đích thân NSND Thu Hiền dạy hát. Anh nói: “Về bài Hai quê, lâu nay tôi và mọi người cứ hát theo điệu hò Hà Tĩnh. Cô Thu Hiền dạy lại cho tôi. Cô bảo Phá Tam Giang trong bài đã ở Huế nên phải hát theo điệu hò Huế”.