Rốt ráo xử lý hơn 1.000 dự án chậm hoàn thành

Admin
Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 3 năm nay cả nước còn hơn 1.500 dự án chậm triển khai, cần phải xử lý.

Sẽ xử lý triệt để với các dự án chiếm dụng đất, thời gian triển khai kéo dài. Đây là yêu cầu của Chính phủ với các địa phương. Bởi lẽ, trong nhiều năm qua do quản lý chưa tốt, nhiều dự án dù đã được bàn giao đất nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Đất đai bị bỏ không, nguồn lực quốc gia đang bị chiếm dụng sai phép, gây lãng phí.

Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, hơn 36 ha đất sản xuất của 200 hộ thuộc xã Thúy Sơn đã phải nhường lại cho dự án xi măng Thanh Sơn. Thế nhưng, sau hơn 16 năm triển khai, dự án vẫn chưa thể vận hành. Giấc mơ "ly nông không ly hương" của những người dân nơi đây, giờ chỉ là ký ức

Bà Phạm Thị Lý - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Khi mà không còn đất thì bà con cũng đi học nghề để hy vọng về sau được phục vì cho nhà máy. Nhưng đến nay, học xong thì nhà máy không thi công. Vì thế bà con không còn cơ hội để phục vụ nhà máy".

Nằm trong nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực. Thế nhưng Thanh Hoá cũng là địa phương đang tồn tại 190 dự án chậm tiến độ, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai. Nhiều dự án đã hoang hóa và buộc phải thu hồi.

"Quy trình thu hồi đất cũng mất một khoảng thời gian. Đặc biệt trong quá trình thu hồi đất, nhiều chủ đầu tư không phối hợp nên cũng gây ra nhiều khó khăn", ông Lê Phương Nam - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho hay.

Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 3 năm nay cả nước còn hơn 1.500 dự án chậm triển khai, cần phải xử lý. Đây phần lớn là những dự án đã từng được ưu tiên đầu tư và có quy mô sử dụng đất lớn

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biế: "Luật quy định rồi, nếu chậm nhất thì 24 tháng phải thu hồi lại dự án để giao cho các đơn vị khác. Phải làm nghiêm thì mới xử lý được đất dự án bỉ hoang".

Hiện vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn ha đất được địa phương giao cho các chủ đầu tư nhưng lại không triển khai theo đúng kế hoạch. Đất đai không được sử dụng hiệu quả không chỉ gây lãng phí, cản trở cơ hội phát triển của nhiều doanh nghiệp khác mà còn tạo bức xúc cho hàng triệu người dân đã từng hiến đất, hy sinh sinh kế cho các dự án này.

Luật Đất đai năm 2024 đang mở ra nhiều cơ hội tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý với nhiều mục tiêu: Tạo cở sở pháp lý cho nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất hiệu quả. Đồng thời xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án triển khi kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.