"Siêu cầu" 13.626 tỷ đẳng cấp quốc tế của Việt Nam: Dùng công nghệ hiếm có; giới xây dựng phải trầm trồ

Admin
"Chúng tôi hy vọng rằng, 100 năm sau, người dân Việt Nam sẽ vẫn yêu cây cầu này nhiều như họ yêu cây cầu Long Biên nổi tiếng trong lịch sử".

Tháng 4/2025 đánh dấu thời điểm tròn một thập kỷ cây cầu Nhật Tân chính thức đi vào sử dụng. 

10 năm qua, tuyến cao tốc nội đô hiện đại bậc nhất này đã trở thành một biểu tượng quan trọng của thủ đô Hà Nội, mang ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, cầu Nhật Tân được đầu tư với tổng số vốn lên đến 13.626 tỷ. 

"Siêu cầu" 13.626 tỷ đẳng cấp quốc tế của Việt Nam: Dùng công nghệ hiếm có; giới xây dựng phải trầm trồ- Ảnh 1.

Khung cảnh lung linh của cầu Nhật Tân về đêm. Nguồn: Internet

Hoàn thành sau 6 năm thi công (2009-2015), cầu Nhật Tân nhanh chóng lập nhiều kỷ lục: Cây cầu dây văng bằng thép dài nhất Việt Nam (tổng chiều dài 8.930m); là cầu dây văng đầu tiên ở châu Á sử dụng thiết kế 5 trụ tháp (kỷ lục này lập năm 2015); và là một trong số ít công trình cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới.

Với thiết kế 5 trụ tháp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô Hà Nội, cây cầu đã trở thành một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, thu hút sự chú ý từ du khách và người dân cả nước.

Cầu Nhật Tân: Công trình khiến giới xây dựng quốc tế trầm trồ

Cầu Nhật Tân không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhiều người khi tìm hiểu về thời điểm xây dựng cầu Nhật Tân không khỏi bất ngờ trước những thành tựu đạt được khi đó. Sự hợp tác giữa các kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản đã tạo nên một công trình đáng kinh ngạc, với việc áp dụng hàng loạt máy móc, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vượt xa thời đại. Thậm chí, đến hiện nay, một số công nghệ được sử dụng vẫn chưa phổ biến và đơn giản hoá để triển khai rộng rãi.

"Siêu cầu" 13.626 tỷ đẳng cấp quốc tế của Việt Nam: Dùng công nghệ hiếm có; giới xây dựng phải trầm trồ- Ảnh 2.

Hình ảnh cầu Nhật Tân sau khi hoàn thành. Nguồn: Smcon (Nhật Bản)

Chính sự đột phá này đã lý giải tại sao, khi cây cầu Nhật Tân được khánh thành, nó không chỉ là một niềm tự hào của Việt Nam mà còn khiến giới xây dựng quốc tế ngỡ ngàng, trầm trồ.

Một trong những công nghệ tiên tiến phải kể đến đó là Móng cọc ống thép dạng giếng (Steel Pipe Sheet Pile Foundation - SPSPF). 

"Cầu Nhật Tân là một trong những dự án cầu lớn nhất Đông Nam Á sử dụng công nghệ móng cọc ống thép dạng giếng. Công nghệ này không chỉ đảm bảo độ bền vững của công trình mà còn giảm thiểu tác động môi trường, được các chuyên gia đánh giá là bước tiến quan trọng trong ngành xây dựng cầu đường" - Hiệp hội kỹ sư xây dựng Nhật Bản (JSCE) cho biết.

Móng cọc ống thép dạng giếng dùng trong cầu Nhật Tân có hình bầu dục và có kích thước 48,7 m x 16,9 m. Tổng số cọc, bao gồm cọc trung gian, là 632 cọc và tổng trọng lượng khoảng 14.200 tấn, theo số liệu của JSCE.

Công nghệ móng cọc ống thép dạng giếng (SPSPF) lần đầu tiên được triển khai tại Nhật Bản vào năm 1964. Đây là giải pháp xây dựng tiên tiến, đặc biệt được áp dụng cho các công trình có điều kiện địa chất phức tạp, môi trường thi công đầy thách thức, và yêu cầu khắt khe về độ an toàn cũng như độ tin cậy cao.

"Siêu cầu" 13.626 tỷ đẳng cấp quốc tế của Việt Nam: Dùng công nghệ hiếm có; giới xây dựng phải trầm trồ- Ảnh 3.

Cầu Nhật Tân đẹp hơn khi về đêm. Nguồn: Internet

Việc áp dụng công nghệ SPSPF trong xây dựng cầu Nhật Tân đánh dấu thời điểm lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại Việt Nam, mở ra bước tiến quan trọng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường tại Việt Nam. Về sau, SPSPF đã được áp dụng trong các công trình Cao Tốc Bến Lức - Long Thành và cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng).

Hiện nay, công nghệ móng cọc ống thép dạng giếng đang được sử dụng rộng rãi tại các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore (bên cạnh Nhật Bản và Việt Nam)... nhờ các tính năng như độ bền vượt trội, kháng chấn cao, an toàn cho kết cấu nước sâu/nền đất yếu, thời gian thi công ngắn hay giá thành hợp lý...

Trong một nghiên cứu độc lập của Công ty xây dựng dân dụng Sheet Piling (Anh), việc các quốc gia áp dụng công nghệ móng cọc ống thép đóng một vai trò rất quan trọng đến môi trường theo hướng tích cực. 

Thứ nhất, cọc ống thép, đặc biệt là loại làm từ thép tái chế, có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon của dự án so với các giải pháp thay thế như cọc bê-tông. Global Energy Monitor báo cáo năm 2024 cho biết, ngành thép toàn cầu phát thải khoảng 3,6 gigatonnes (Gt) CO2 mỗi năm, bao gồm cả phát thải trực tiếp và gián tiếp. Việc tái chế thép là cách ngành xây dựng trở nên xanh hơn và thân thiện môi trường hơn. 

Thứ hai, thép là vật liệu vĩnh cửu có thể liên tục chuyển đổi và tái sử dụng, giúp giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào phát triển một nền kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, cọc ống thép có thể hoạt động như rào cản tiếng ồn, ngăn ngừa ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cư dân và công nhân gần đó. 

Việc áp dụng công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản tại cầu Nhật Tân cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng các công trình thân thiện với môi trường hơn nữa.

"Khi màn đêm buông xuống, hệ thống ánh đèn nhiều màu sắc mang lại cho cây cầu Nhật Tân khung cảnh  thực sự lung linh và quyến rũ. Chúng tôi hy vọng rằng, 100 năm sau, người dân Việt Nam sẽ vẫn yêu cây cầu này nhiều như họ yêu cây cầu Long Biên nổi tiếng trong lịch sử" - Hiệp hội kỹ sư xây dựng Nhật Bản (JSCE) chia sẻ.