Thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng là cách mạng về trải nghiệm

Admin
Việc chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng không chỉ là về thay đổi công nghệ mà còn là một cuộc cách mạng về trải nghiệm.

Ông Safdar Khan, Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Mastercard đã có những chia sẻ về tiềm năng phát triển thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng tại Việt Nam và những kinh nghiệm của Mastercard trong lĩnh vực này.

Theo ông, thanh toán điện tử đóng vai trò gì trong việc cải thiện hệ thống thanh toán trong giao thông? Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thanh toán, Mastercard đã có kinh nghiệm gì trong việc áp dụng thanh toán điện tử trong giao thông đô thị?

Thanh toán điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hệ thống thanh toán trong giao thông bằng cách cho phép giao dịch liền mạch, thanh toán không tiếp xúc thông qua thẻ, ứng dụng di động mà mã QR. Việc tích hợp này giúp giảm thời gian chờ đợi, nâng cao hiệu quả vận hành và cải thiện trải nghiệm tổng thể của người tham gia giao thông. Hệ thống này đồng thời tăng cường tính minh bạch và giảm gian lận bằng cách ghi chép từng giao dịch một cách an toàn, từ đó xây dựng lòng tin và trách nhiệm. Thêm vào đó, thanh toán điện tử còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp liền mạch các dịch vụ đô thị khác như thu phí đỗ xe và phí cầu đường, tạo ra hệ sinh thái thống nhất giúp đơn giản hóa các giao dịch tài chính trong các lĩnh vực khác nhau. 

Thấu hiểu tầm quan trọng của thanh toán điện tử trong giao thông, Mastercard đã triển khai nhiều sáng kiến, một trong số đó là ‘Smart Cities’, nhằm kết nối các đối tác công và tư hợp tác cùng phát triển, triển khai và mở rộng quy mô các giải pháp kết nối với mục tiêu giải quyết các thách thức đô thị. Trong sáng kiến này, Mastercard hợp tác với các cơ quan chính phủ, các tổ chức tài chính và các đối tác công nghệ nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, hướng tới một đô thị thông minh hơn. Đến nay, Mastercard đã thành công hợp tác với hơn 150 thành phố trên toàn cầu.

Mastercard nhận thấy thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực giao thông trên toàn cầu. Từ việc ra mắt hệ thống tap-and-ride cho xe đạp điện ở Phần Lan vào năm 2022, đến cột mốc 1 tỷ lượt thanh toán không tiếp xúc trên hệ thống giao thông MTA của New York, có thể thấy rõ xu hướng này. Tại Philippines, tháng 2/2024, Mastercard cũng đã tiên phong triển khai dự án thí điểm  thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ Mastercard trên chuyến Metro Rail Transit Line 3 (MRT-3 Line) và xe buýt, góp phần nâng cao trải nghiệm di chuyển và thống nhất với mục tiêu của chính phủ trong việc thúc đẩy tài chính và chuyển đổi số toàn diện.

Mastercard vinh dự khi được ứng dụng kinh nghiệm toàn cầu để hỗ trợ sự phát triển của thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông tại Việt Nam. Bằng cách hợp tác với các cơ quan chức năng và đối tác địa phương, Mastercard cam kết nâng cao các giải pháp thanh toán hiện tại, mang đến sự tiện lợi, an toàn và hiệu quả cho người tham gia giao thông tại Việt Nam, đồng thời góp phần xây dựng môi trường sống đô thị kết nối và thông minh hơn. 

Ông đánh giá ra sao về mức độ ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong giao thông tại Việt Nam?

Việt Nam đang tăng tốc hướng tới mục tiêu ‘nền kinh tế không tiền mặt’ trong mọi lĩnh vực, và giao thông không phải là ngoại lệ. Động lực cho quá trình chuyển đổi này đến từ nhiều yếu tố, bao gồm: giới trẻ đam mê công nghệ, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh cao, và các khoản đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào thanh toán số.

Với hơn 64 triệu người dùng internet cùng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trên 70%, Việt Nam đang sẵn sàng để chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt. Tinh đến tháng 6/2024, Việt Nam có hơn 193 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, với 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng hiện xử lý hơn 95% giao dịch qua các kênh trực tuyến.

Các sáng kiến của chính phủ cũng đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi này. Một bước tiến quan trọng hướng tới việc áp dụng rộng rãi thanh toán không tiền mặt trong giao thông có thể kể đến Nghị định 119/2024/NĐ-CP của chính phủ, quy định tất cả các khoản phí liên quan đến phương tiện giao thông phải chuyển sang phương thức thanh toán số trước năm 2025.

Hệ sinh thái thanh toán điện tử tại Việt Nam, bao gồm các nền tảng được sử dụng rộng rãi như MoMo, ZaloPay và ViettelPay, đang phát triển nhanh chóng, mang đến cho người dân những lựa chọn quen thuộc và dễ tiếp cận. Các nền tảng này cũng góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Những bước tiến quan trọng bao gồm việc triển khai hệ thống thu phí không dừng, hiện đã áp dụng cho 97% phương tiện lưu thông tính đến tháng 5/2024, với 5,6 triệu phương tiện đăng ký. Tại Hà Nội, các chương trình thí điểm vé điện tử cho xe buýt đã ghi nhận 85% giao dịch được thực hiện trực tuyến trên 25 tuyến đường.

Những cải tiến này là kết quả của quá trình hợp tác công - tư. Với chuyên môn toàn cầu trong lĩnh vực thanh toán số cùng kinh nghiệm triển khai thành công tại các thành phố như London, New York và Hà Lan, Mastercard sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới giao thông đô thị thông minh. Bằng các giải pháp thanh toán an toàn, tiện lợi và liền mạch, Mastercard cam kết cải thiện giao thông đô thị và góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam.

Cụ thể, Mastercard đã triển khai những sáng kiến nào để hỗ trợ việc áp dụng thanh toán không tiền mặt trong hệ thống giao thông công cộng của Việt Nam?

Mastercard đã triển khai nhiều sáng kiến để hỗ trợ việc áp dụng thanh toán không tiền mặt trong hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam. Chúng tôi đã hợp tác với VPBank và OneFin để triển khai hệ thống thanh toán không tiếp xúc trên các xe buýt công cộng tại TP. Hồ Chí Minh, cho phép hành khách sử dụng nhiều loại thẻ EMV không tiếp xúc và thiết bị thông minh để thanh toán một cách liền mạch. Hệ thống này, được thử nghiệm trên 71 xe buýt trên các tuyến đường chính, sử dụng công nghệ Open-Loop của Mastercard tích hợp với nền tảng thanh toán của OneFin và cổng thanh toán trực tuyến của VPBank.

Ngoài ra, Mastercard còn hợp tác với Công ty TNHH Đường sắt Đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (HURC1) để giới thiệu các giải pháp thanh toán thông minh trên mạng lưới giao thông công cộng của thành phố, bao gồm tuyến Metro số 1 mới được khai trương. Hệ thống này sử dụng công nghệ EMV Open-Loop, cho phép hành khách linh hoạt sử dụng thẻ ngân hàng hiện có hoặc thiết bị thông minh của họ để thanh toán vé, giảm nhu cầu sử dụng thẻ giao thông riêng biệt đồng thời cải thiện hiệu quả vận hành cho các nhà vận hành giao thông.

Trong thời gian tới, Mastercard cùng các đối tác dự kiến mở rộng các giải pháp thanh toán không tiền mặt này lên 500 phương tiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và 3.000 phương tiện tại Hà Nội vào năm 2025. Những nỗ lực này là một phần trong cam kết lớn hơn của Mastercard nhằm nâng cao trải nghiệm giao thông công cộng, đồng thời góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Việt Nam về một xã hội không tiền mặt, kết nối và bền vững. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và đối tác địa phương, Mastercard đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái thanh toán số vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển đô thị thông minh và hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia.

Các ngân hàng và các đối tác trong lĩnh vực công nghệ thanh toán có thể làm gì để duy trì xu hướng chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt trên các phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam, cũng như giúp thanh toán kỹ thuật số trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân?

Việc chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng không chỉ là về thay đổi công nghệ mà còn là một cuộc cách mạng về trải nghiệm, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và nỗ lực đồng bộ của nhiều bên liên quan. Để đảm bảo việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các bên - chính phủ, ngân hàng, nhà cung cấp công nghệ và người tiêu dùng là yếu tố then chốt.

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, thông qua việc xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ thanh toán, đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết. Để đảm bảo tính hiệu quả và kịp thời của các quyết định trong từng tình huống cụ thể, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành là vô cùng quan trọng.

Các ngân hàng và các nhà cung cấp công nghệ nên hợp tác để tạo ra các giải pháp thanh toán kỹ thuật số an toàn, tiện lợi và có thể tích hợp dễ dàng vào hệ thống giao thông công cộng. Hơn nữa, các tổ chức tài chính cũng cần tiếp tục đổi mới, cải tiến hệ thống để quản lý hiệu quả hơn các giao dịch không tiền mặt trong nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng trong giao thông.

Các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng về tính bảo mật và tiện lợi của thanh toán không tiền mặt cũng đóng vai trò quan trọng không kém, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông công cộng. Bằng cách cung cấp tới khách hàng đầy đủ thông tin về sự an toàn và tiện lợi của các giải pháp thanh toán điện tử, chẳng hạn như thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ, ứng dụng điện thoại hay mã QR, chúng tôi thúc đẩy và giúp quá trình chuyển đổi hướng tới xã hội không tiền mặt thuận lợi hơn.

Là đối tác tin cậy trong lĩnh vực công nghệ thanh toán, Mastercard luôn tích cực hợp tác với các đối tác như HURC1 và các ngân hàng hàng đầu nhằm thúc đẩy việc áp dụng thanh toán điện tử trong giao thông công cộng. Chúng tôi cam kết mang đến những giải pháp giao thông liền mạch cho đô thị, từ đó nâng cao hiệu quả chi phí và góp phần xây dựng xã hội kết nối, toàn diện hơn.