Thuế suất 20% với lãi chứng khoán: Cần hài hòa với chiến lược phát triển thị trường vốn

Admin
Việc đề xuất thuế 20% trên lãi chuyển nhượng chứng khoán đang gây lo ngại trong cộng đồng đầu tư, nhất là khi thị trường vừa hồi phục và Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng nhà đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là với chuyển nhượng chứng khoán, đề xuất thuế thu nhập cá nhân được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.

Trong đó, phần thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế (theo năm).

Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan thì thuế được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.

Mặc dù đây là nỗ lực hướng đến mô hình thuế công bằng hơn nhưng cách thiết kế và mức thuế đang tạo ra nhiều lo ngại trong cộng đồng đầu tư.

Thuế suất 20% với lãi chứng khoán: Cần hài hòa với chiến lược phát triển thị trường vốn - Ảnh 1.

Việc đề xuất thuế 20% trên lãi chuyển nhượng chứng khoán đang gây lo ngại trong cộng đồng đầu tư (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo nhiều nhà đầu tư cá nhân, quy định này nếu được thông qua và áp dụng trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ vừa bước qua giai đoạn khó khăn và đang trong quá trình phục hồi sẽ tác động tiêu cực tới thanh khoản và dòng tiền, trong đó đáng lo ngại nhất là sự sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài.

"Trong khi chúng ta đang nỗ lực tháo gỡ rất nhiều vướng mắc để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường, thì việc ban hành một quy định thuế ở mức cao như dự thảo luật là thiếu hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vốn vẫn còn đối mặt với không ít thách thức", một nhà đầu tư có 10 năm tham gia thị trường chia sẻ.

Đánh thuế 20% tiền lãi chứng khoán là quá cao, lo ngại “đẩy” nhà đầu tư về lướt sóngĐỌC NGAY

Phát triển thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Nghị quyết số 68 vừa qua của Bộ Chính trị đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung quán triệt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để phát triển kinh tế tư nhân là: Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực, trong đó có nguồn lực về vốn; đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, theo đó cần khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán.

Tiếp đó, ngày 27/6/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong đó yêu cầu: Phát triển mạnh các kênh huy động vốn từ thị trường vốn; trong năm 2025, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1726, đặt mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả thay thế cho hệ thống tín dụng ngân hàng vốn đang gánh nhiều áp lực.

Với những nỗ lực của các cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục đáng kể trong thời gian qua. Nhà đầu tư nước ngoài cũng quay trở lại mua ròng mạnh một tháng trở lại đây, sau 15 tháng bán ròng với khối lượng rất lớn.

Trong bối cảnh đó, dự thảo thu thuế thu nhập cá nhân tới 20% trên phần lãi khiến không ít nhà đầu tư cá nhân chia sẻ cảm xúc như bị "truy thu" khi vừa mới có lãi, trong khi nhiều năm về trước thua lỗ do biến động lớn của thị trường mà vẫn chịu thuế phí trên từng lần giao dịch. Một số nhà đầu tư cá nhân cho biết sẽ cân nhắc việc tham gia thị trường nếu Dự thảo hiện nay được thông qua.

Không ít lần các chuyên gia tài chính đã đưa khuyến nghị rằng, thuế là nguồn thu quan trọng nhưng cần thận trọng để không lấn át mục tiêu khác như thu hút vốn, đảm bảo thanh khoản và khuyến khích doanh nghiệp lên sàn.

Để đảm bảo sự linh hoạt, hỗ trợ nhà đầu tư, một số chuyên gia đề xuất nên có sự lựa chọn cho nhà đầu tư. Tức là nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong 2 phương án mà Dự thảo Luật đưa ra, hoặc là trả 0,1% theo từng lần chuyển nhượng (như quy định hiện hành) hoặc xác định bằng thu nhập tính thuế.

Cùng với đó, việc cải tiến hạ tầng số – từ công cụ theo dõi giá vốn, chi phí giao dịch, đến hỗ trợ kê khai thuế tự động – là điều kiện tiên quyết nếu muốn áp dụng thuế xác định trên lãi ròng hiệu quả. Nếu không được hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ, nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp khó khăn khi xác định đúng số thuế phải nộp, làm tăng chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý.