Theo ông Đính, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội gần như không được chuẩn bị sẵn sàng. Nếu các doanh nghiệp muốn tham gia tại những khu vực phát triển, giá đất quá cao, dẫn tới chi phí đội lên, khiến việc xây dựng nhà ở xã hội không hiệu quả. Ngược lại, nếu triển khai ở những khu vực xa trung tâm, không phù hợp với nhu cầu thực tế thì việc bán hàng cũng rất khó khăn, khiến doanh nghiệp không mặn mà.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, vốn rất tốn kém và phức tạp. Khi đã bỏ ra nhiều công sức như vậy, họ có xu hướng tìm kiếm các dự án thương mại có lợi nhuận cao, thay vì nhà ở xã hội với biên lợi nhuận thấp.
Ông Đính cũng chỉ rõ rằng, quy trình thủ tục đối với nhà ở xã hội hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn cả nhà ở thương mại. Đây là loại hình nhà được hưởng ưu đãi, cấp cho đối tượng chính sách nên khâu thẩm định, phê duyệt vô cùng chặt chẽ. Cơ quan thực thi lo ngại rủi ro, sợ trách nhiệm, dẫn đến tâm lý ngần ngại, đắn đo, khiến nhiều dự án bị chậm hoặc không thể triển khai.
Ngoài ra, nhiều thủ tục pháp lý còn chồng chéo, mâu thuẫn, kéo dài thời gian xử lý. Trong khi dự án nhà ở thương mại đã mất vài ba năm để hoàn thành, thì nhà ở xã hội thậm chí còn lâu hơn, khiến doanh nghiệp càng ít hào hứng tham gia.
Một vấn đề khác được ông Đính đề cập là giá bán nhà ở xã hội được xác định quá thấp, trong khi các chi phí phát sinh lại không được công nhận đầy đủ. Do đó, với mức lợi nhuận hạn chế, cộng thêm khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất không tương xứng, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã không còn mặn mà.
Ông Đính nhấn mạnh, chính quyền địa phương chưa đưa chương trình phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch, quy hoạch cũng như chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể. Điều này càng khiến doanh nghiệp nản lòng.
Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm cũng là một vướng mắc lớn. Quy định về xác định đối tượng mua nhà ở xã hội vẫn rất phức tạp, đặc biệt đối với lao động ngoại tỉnh, việc chứng minh điều kiện để đủ tiêu chuẩn mua nhà cũng gặp nhiều rào cản.
“Tất cả những nguyên nhân đó dẫn đến việc các doanh nghiệp không mặn mà tham gia, khiến chương trình nhà ở xã hội phát triển rất chậm,” ông Đính nhấn mạnh.

Ảnh: Nguyễn Ly
Thực tế, dù đã rất nỗ lực song kết quả thực hiện chính sách nhà ở xã hội thời gian qua còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra. Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã trực tiếp làm việc, kiểm tra thực tế tiến độ triển khai tại 27 địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội cao. Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành gần 90.000 căn nhà ở xã hội, tính đến 30/6 đã bàn giao, đưa vào sử dụng khoảng 35.000 – 36.000 căn.
Ông Hưng nhìn nhận, mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và Thủ tướng đã đặt mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở xã hội là đạt ít nhất 1 triệu căn vào năm 2030, nhưng kết quả triển khai vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Cũng theo ông Hưng, có 5 nhóm nguyên nhân chính khiến nguồn cung chưa được như mong muốn.
Thứ nhất, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, dù Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 34, Chính phủ ban hành Quyết định 338 yêu cầu phải đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để kiểm đếm. Tuy nhiên, vẫn có địa phương chưa triển khai nghiêm túc.
Thứ hai, tiến độ các dự án thuộc Đề án chưa đạt yêu cầu, nhiều dự án hoàn thành chậm so với kế hoạch đề ra.
Thứ ba, quỹ đất được bố trí cho nhà ở xã hội còn bất cập. Theo thống kê, các địa phương đã quy hoạch hơn 1.900 vị trí với tổng diện tích hơn 9.000 ha để phát triển nhà ở xã hội. Xét về quy mô, diện tích này là đủ để hoàn thành mục tiêu. Nhưng thực tế, nhiều khu đất lại nằm ở vị trí hạ tầng yếu kém, không đồng bộ, hoặc là những phần “đầu thừa đuôi thẹo” trong các dự án, khó thu hút người dân về ở.
Thứ tư, thủ tục hành chính còn rườm rà, kéo dài. Quy trình lựa chọn chủ đầu tư qua đấu thầu, cấp phép xây dựng, thẩm định giá bán... mất nhiều thời gian và phát sinh chi phí, khiến tiến độ các dự án bị chậm.
Thứ năm, thiếu chính sách ưu đãi cụ thể và chưa bố trí đủ nguồn lực cho giải phóng mặt bằng. Một số địa phương chưa ban hành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, chưa chủ động giải phóng mặt bằng, dẫn đến nhiều dự án bị ách tắc. Thêm vào đó, việc lựa chọn chủ đầu tư tại nhiều nơi chưa đảm bảo về năng lực tài chính, kinh nghiệm cũng góp phần khiến các dự án bị đình trệ.
Do đó, ông Hưng kết luận, để đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền các cấp, cũng như đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thủ tục và ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia hiệu quả.