Đó là câu chuyện của một thành viên ẩn danh đăng tải trên group cộng đồng về chi tiêu thông minh (tạm gọi là chị S). Bài chia sẻ của chị S đã nhận được rất nhiều quan tâm của các thành viên khác.
Điểm đáng chú ý, đa phần mọi người đều ủng hộ quyết định và quan điểm của chị S khi chị S xin nghỉ việc dù có mức lương rất cao, nhiều phúc lợi trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp, sa thải, kinh tế khó khăn như hiện tại.

Chú thích ảnh
Bài chia sẻ mở đầu bằng câu nói:“Em nghỉ việc rồi mọi người ạ.” Một câu nói tưởng nhẹ nhàng, nhưng có lẽ là cả một hành trình dài cân nhắc, đắn đo của chị S. Bởi vì trước khi đưa ra quyết định này, nữ nhân viên văn phòng có một mức thu nhập và chế độ phúc lợi đáng mơ ước mà theo như chia sẻ đó là: mức lương 2.000 USD/tháng, du lịch nước ngoài đều đặn hai lần mỗi năm, và được thưởng nhiều lần trong năm
Thế nhưng, khi đơn nghỉ việc được duyệt, điều đầu tiên chị cảm nhận được không phải là tiếc nuối - mà là… hạnh phúc.
Lương cao không còn là đích đến duy nhất
Nghe thì vô lý, nhưng đó lại là một sự thật ngày càng phổ biến trong môi trường làm việc hiện đại. Không ít người đang ở trong những vị trí công việc “đáng mơ ước” nhưng mỗi ngày đi làm lại như mang theo một cục đá đè nặng trong lòng.
Và cuối cùng, cái giá phải trả là sức khoẻ tinh thần và những mối quan hệ thân thiết nhất trong gia đình.
Không ít người vẫn đang mắc kẹt trong một định kiến: nghỉ việc là thất bại, từ bỏ là thiếu cố gắng. Nhưng thực tế, rời bỏ một công việc không còn phù hợp đòi hỏi sự dũng cảm hơn rất nhiều so với việc tiếp tục chịu đựng nó.
Chị S. chia sẻ: “Một công việc đãi ngộ rất tốt, phúc lợi rất tốt nhưng em hao mòn bởi những yêu cầu khắt khe và những câu nói sâu cay của sếp. Chấm dứt những tháng ngày lo lắng căng thẳng từ sáng đến tối, những ngày stress chỉ biết trút lên chồng con.”
Ở tuổi không còn trẻ, lựa chọn “tạm dừng” là một dạng dũng cảm
Xã hội thường mặc định rằng một người phụ nữ trung niên nghỉ việc là “bước lùi”, là “mất phương hướng”. Nhưng chính ở giai đoạn đó, người ta hiểu rõ bản thân nhất—biết mình đã mất gì, cần gì, và không thể đánh đổi thêm điều gì nữa.
Chị S. không biết bắt đầu lại từ đâu, nhưng lại chưa bao giờ thấy nhẹ nhõm đến thế. Sự áy náy vì “không cố gắng kiếm tiền cho con” đã được thay thế bằng nhận thức sâu sắc: “Một người mẹ không hạnh phúc làm sao có thể nuôi dạy một đứa con hạnh phúc?”
Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để hiểu điều đó. Và càng ít người đủ can đảm để hành động.
Và chúng ta thường được dạy phải "ổn định" thật sớm, phải "kiếm thật nhiều tiền để lo cho tương lai". Nhưng ít ai nói rằng, hành trình nghề nghiệp cũng giống như một hành trình sống: có lúc thăng hoa, có lúc cần dừng lại, nhìn lại chính mình.
Trong trường hợp này, người phụ nữ ấy đã lựa chọn dừng lại để giữ lấy sự bình an. Chị S chia sẻ rằng mình từng cảm thấy tội lỗi vì không kiếm đủ tiền cho con, nhưng rồi chị nhận ra: “Một người mẹ không hạnh phúc thì làm sao có thể nuôi dạy một đứa con hạnh phúc được đây?”

(Ảnh chụp màn hình )
Không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có lựa chọn phù hợp
Chúng ta thường mải mê tìm “công việc lý tưởng”: lương cao, sếp tâm lý, môi trường ổn định, cân bằng cuộc sống. Nhưng trên thực tế, sự “hoàn hảo” là điều không tồn tại. Công việc lương cao có thể đi kèm áp lực lớn. Môi trường thân thiện có thể thiếu cơ hội phát triển. Và đôi khi, điều ta cần không phải là thăng tiến, mà là bình an.
Việc nghỉ việc của chị S. không phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp, mà là một bước ngoặt để sống đúng với nhu cầu của bản thân. Và như chị nói: “Lựa chọn nào cũng có được có mất, nhưng em mong rằng đoạn đường sau này sẽ sống vui hơn.”
Nghề nghiệp là một phần, không phải toàn bộ cuộc sống
Đừng chỉ nhìn vào mức thu nhập để đánh giá một công việc. Hãy nhìn vào tâm trạng mỗi sáng bạn thức dậy, sự bình yên trong lòng khi kết thúc một ngày, và nụ cười mà bạn dành cho gia đình.
Nếu một công việc khiến bạn đánh mất những điều đó, thì dù mức lương có cao đến đâu, cũng không đáng để đánh đổi.
Và có lẽ chị S không phải là người duy nhất làm điều này. Ngày càng nhiều người trong xã hội hiện đại đang đặt câu hỏi: "Điều gì mới thực sự quan trọng trong sự nghiệp và cuộc sống của mình?"
Dưới tâm sự của chị S. rất nhiều thành viên đã bày tỏ sự ủng hộ quyết định của chị và chia sẻ thêm câu chuyện cá nhân tương tự:
Bạn làm đúng bạn nhen. Mình cũng có 16 năm kinh nghiệm ở văn phòng. Và nhận ra càng ngày càng stress. Mình đã nghỉ việc được 1 năm. Sau đó mở tiệm photocopy kết hợp với bán các loai bảo hiểm và bán hàng…Nay thu nhập của mình 1 tháng đều đều từ 12- 15 triệu. Và sẽ tăng dần đều. Mình có thời gian cho ba mẹ và gia đình nhỏ của mình nữa. Mình nói thật là hiện tại thu nhập ở tiệm đúng là không bằng làm ở công ty. Nhưng bù lại trong lòng mình luôn thấy thanh thản và hạnh phúc. Trong tương lai mình tin rằng sẽ tăng trưởng đều. Mình cũng đang chênh vênh tuổi 33, mức lương hiện tại tầm 3000USD/tháng và môi trường khá ổn, nhưng mình thấy sức khoẻ không được ổn. Những ngày công việc nhiều khiến mình gần như kiệt sức, không có thời gian cho con. Mình cũng vừa từ bỏ công việc lương 30 triệu năm nay khi mình 38 tuổi. Đến bây giờ mình vẫn thấy tiếc nhưng bù lại, lại vẫn thấy ổn dù đúng là bí bách về kinh tế hơn. Mình có thời gian cho bản thân. Người ta bảo tuổi 40 là tuổi được sống cho bản thân được rồi.Như vậy, câu chuyện trên cho thấy một điều, đối với rất nhiều người, đừng chỉ nhìn vào mức thu nhập để đánh giá một công việc. Và sự nghiệp là một hành trình dài—đừng quên dừng lại khi bạn cảm thấy mỏi mệt.