Việt Nam phát hiện 420 kg vàng tại một tỉnh miền núi

Admin
Việt Nam liên tục phát hiện mỏ vàng mới.

Vào ngày 11/4, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) về tiến độ thực hiện Đề án đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Đề án Trung Trung Bộ).

Đề án Trung Trung Bộ đã phát hiện, đánh giá tiềm năng tài nguyên, tạo đủ cơ sở để chuyển giao đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản 26/45 khu mỏ, trong đó có 3/8-10 khu mỏ khoáng sản kim loại, 6/10-15 khu mỏ khoáng chất công nghiệp và 17/20-25 khu mỏ đá ốp lát; phát hiện, chuyển giao thăm dò 2-3 diện tích triển vọng quặng urani.

Theo Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, nhóm nghiên cứu đã điều tra tổng hợp hiện trạng 32 khu vực quặng vàng, trong đó đánh giá sơ bộ tỷ lệ 1/25.000 tại 12 mỏ với dự báo trữ lượng hơn 10 tấn vàng, hơn 16 tấn bạc.

Trước đó, trong đề án Tây Bắc, Cục Địa chất và Khoáng sản đã phát hiện 40 mỏ vàng với tổng trữ lượng gần 30 tấn

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tây Bắc. Đây là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài gần 8 năm.

Kết thúc vào năm 2024, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao. Nổi bật là các đơn vị thực hiện Đề án đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.081 km²; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000 mét, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng – một tỉ lệ rất cao.

Một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.

Đáng chú ý, trong số các mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Có 5 mỏ đồng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 13.000 tấn đồng kim loại. Ngoài ra, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện khoáng sản đi kèm có vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420 kg vàng .

Riêng với Lào Cai, đây là tỉnh có nhiều loại khoáng sản. Đáng chú ý, Lào Cai có mỏ đồng lớn nhất Việt Nam, đó là mỏ đồng Sin Quyền tại huyện Bát Xát. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, Lào Cai thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam. Là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ

Quặng Apatit với trữ lượng trên 2,5 tỷ tấn, lớn nhất Đông Nam Á, đủ khả năng cung cấp nguyên liệu dài hạn cho ngành sản xuất hóa chất, phân bón trong nước, góp phần ổn định an ninh lương thực Quốc gia.

Quặng đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, hàng đầu Đông Nam Á, trong đó mỏ đồng Sin Quyền lớn nhất cả nước, là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho 2 nhà máy luyện đồng Lào Cai đang hoạt động ổn định cung cấp mỗi năm ra ngoài thị trường khoảng 30.000 tấn đồng kim loại.

Quặng sắt trữ lượng trên 180 triệu tấn, trong đó mỏ sắt Quý Xa lớn thứ 2 của cả nước là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy gang thép Lào Cai (công suất 500 nghìn tấn/năm) đang cung cấp gang thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với tiềm năng nêu trên, Lào Cai luôn quan tâm, định hướng công nghiệp khai khoáng phải đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; gắn khai thác với chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nguyên khoáng, đồng thời xác định là cầu nối trong chuỗi sản xuất công nghiệp Việt Nam. Vì vậy trong những năm qua, Lào Cai tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước.