Vợ chồng ở TP.HCM, tài sản hơn 20 tỷ, vẫn mất ăn mất ngủ vì "cơm áo gạo tiền" và chuyện chi tiêu hàng tháng

Admin
Câu chuyện của cặp vợ chồng này khiến MXH bùng nổ tranh cãi.

"Tôi sợ chồng mất việc": Nỗi lo cơm áo trong một gia đình có tài sản hàng chục tỷ

Trong căn hộ chung cư cao cấp trị giá khoảng 9 tỷ tại một quận ở TP.HCM, chị Thảo (33 tuổi) ngồi bên chiếc bàn nhỏ, lật qua lật lại bảng chi tiêu tháng này, không giấu được vẻ đăm chiêu.

Chị vừa mang thai con thứ hai, trong khi con gái lớn sắp bước vào lớp 1 với học phí 5,5 triệu đồng/tháng tại một trường công lập trong địa bàn thành phố. Thêm tiền học thêm tiếng Anh và năng khiếu mỗi tháng 2-3 triệu đồng, cùng với các khoản chi thường nhật, chi tiêu của gia đình xoay quanh mức 30-35 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ, chị lo lắng nhất không phải là những con số đó.

Vợ chồng ở TP.HCM, tài sản hơn 20 tỷ, vẫn mất ăn mất ngủ vì "cơm áo gạo tiền" và chuyện chi tiêu hàng tháng- Ảnh 1.

Chồng chị - anh Hưng (38 tuổi), đang đứng trước nguy cơ mất việc sau gần 10 năm gắn bó với một doanh nghiệp, nơi đang cắt giảm nhân sự do tái cấu trúc. "Anh bị bệnh mãn tính, phải dùng thuốc tây điều trị nhiều năm nay. Áp lực công việc khiến sức khỏe anh yếu đi, mà giờ công ty cũng không giữ được người" - chị Thảo tâm sự.

Mỗi tháng, anh Hưng đưa cho vợ 12 triệu đồng để phụ vào chi tiêu chung. Chị Thảo ở nhà nội trợ và buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng. Phần lớn chi tiêu cố định của gia đình, bao gồm sinh hoạt phí, học phí cho con... đều trông chờ vào tiền cho thuê nhà và phần thu nhập của chồng.

"Cuối năm nay tôi sinh bé thứ hai, sẽ có thêm nhiều khoản phải lo. Nếu anh Hưng nghỉ việc mà không có công việc mới ổn định, tôi thật sự không biết phải xoay xở ra sao " - chị Thảo chia sẻ.

Tài sản hơn 20 tỷ vẫn mất ngủ vì "cơm áo gạo tiền": Những trái chiều xoay quanh câu chuyện của đôi vợ chồng tại Tp.HCM

Nhìn vào tổng thể, gia đình chị Thảo và anh Hưng đang sở hữu khối tài sản không hề nhỏ:

* 2 căn nhà phố cho thuê, trị giá khoảng 5 tỷ và 7 tỷ đồng. Tổng thu nhập cho thuê: khoảng 25 triệu đồng/tháng.

* 1 căn hộ chung cư trị giá 9 tỷ đồng, nơi gia đình đang sinh sống.

* 1 lô đất trị giá khoảng 3 tỷ.

* Tiền mặt và vàng cưới: 1,5 tỷ.

Sắp tới, bố mẹ chị Thảo dự kiến chia tài sản cho ba người con, trong đó gia đình chị sẽ được một phần vốn không nhỏ. Tuy nhiên phần vốn này chị Thảo không tính vào tài sản đang có của gia đình.

Tổng tài sản quy đổi: Khoảng 25-26 tỷ đồng, chưa tính phần thừa kế tương lai.

Vợ chồng ở TP.HCM, tài sản hơn 20 tỷ, vẫn mất ăn mất ngủ vì "cơm áo gạo tiền" và chuyện chi tiêu hàng tháng- Ảnh 2.

Đây có thể là tài sản đáng mơ ước của biết bao gia đình khác. Nhưng với chị Thảo, mọi thứ không hề chắc chắn như bề ngoài. "Tài sản thì có đấy, nhưng đều là bất động sản, không phải cứ cần là lấy ra xài được, tôi rất sợ chồng mất việc, khi đó kinh tế trong nhà không biết phải như nào đây" - chị Thảo lo lắng.

Ngay khi câu chuyện của gia đình chị Thảo và anh Hưng được chia sẻ, hàng trăm ý kiến bình luận đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, thậm chí bức xúc trước nỗi lo của chị Thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng chị Thảo thuộc nhóm người "không biết đủ". Với mức sống thấp hơn, vậy mà nhiều gia đình vẫn xoay xở nuôi con, trả học phí, thuê nhà, mà không kêu ca, phàn nàn. Trong khi đó, gia đình chị Thảo đã có nền tảng tài chính vững nhưng vẫn bất an, mất ngủ vì cơm áo gạo tiền hàng ngày.

- "Người ta còn ở nhà thuê cả chục năm, vợ chồng làm lụng cả tháng mới được 15-20 triệu mà vẫn phải nuôi con. Nhà chị có 3 căn nhà, đất đai, tiền mặt mà còn lo? Vậy người khác phải làm sao đây?".

- "Nỗi lo của chị thực tế quá nhỉ!!!. Người ta đang chật vật trả tiền điện, tiền học từng tháng, còn chị thì ở nhà 9 tỷ, có nguồn thu từ việc cho thuê 2 căn nhà khác, lại còn được ba mẹ chia tài sản sắp tới. Tiền tiêu không hết, vậy mà cũng ngồi than thở".

- "Người ta làm lụng cả đời không mua nổi 1 căn chung cư. Nhà chị sướng quá rồi, rảnh mới ngồi nghĩ vẩn vơ".

Vợ chồng ở TP.HCM, tài sản hơn 20 tỷ, vẫn mất ăn mất ngủ vì "cơm áo gạo tiền" và chuyện chi tiêu hàng tháng- Ảnh 3.

Không ít người cho rằng, trong khi hàng triệu người sống ở nhà thuê, thu nhập thấp, chi tiêu từng đồng thì việc một gia đình có khối tài sản cả chục tỷ vẫn "băn khoăn tương lai" là một điều khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại thấy nỗi lo người vợ trong câu chuyện này cũng là hợp lý với tình hình kinh tế của gia đình.

-"Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, chồng lại bệnh và có nguy cơ mất việc. Trong hoàn cảnh đó, người vợ nào mà không lo? Chuyện không nằm ở số tiền, mà là sự mất an toàn trong tương lai".

- "Tài sản là bất động sản cho thuê, nhỡ đâu mai người ta không thuê nữa là mất 1 phần thu nhập, chẳng lẽ bán nhà để chi tiêu hàng tháng. Nên thu nhập cố định cũng chỉ tính lương 2 vợ chồng, sống ở thành phố lớn, ở nhà xịn thì mức chi tiêu cũng cao mà, người vợ lo cũng đúng thôi".

- "Mọi người cứ nói nhiều tài sản, nhưng chẳng nhẽ có tài sản rồi ở nhà chơi xong bán nhà đi để chi tiêu à, rồi còn chữa bệnh nữa, xong nhỡ đến lúc có việc cần thì lấy gì mà chi tiêu".

- "Người vợ lo đúng đấy chứ, người có tiền họ không bao giờ ngồi im đâu, mình không có thì thấy họ nhiều thôi, chứ họ thì luôn luôn nghĩ và tìm cách để thu nhập hay tài sản không bị trì trệ".

Tiền từ việc cho thuê nhà là thu nhập thụ động, và không phải lúc nào cũng chắc chắn. Có thể người thuê chuyển đi, thị trường đi xuống, căn nhà trống dài ngày. Trong khi đó, chi tiêu hàng tháng vẫn phát sinh đều đặn: học phí con, ăn uống, y tế, sinh hoạt... Đó là chưa kể các rủi ro khác như chồng bệnh, vợ nghỉ sinh, con cần học thêm... tất cả đều tạo áp lực tài chính lớn mà mỗi gia đình đều phải gánh trên vai.

Giải pháp đơn giản cho nỗi lo "cơm áo gạo tiền" của gia đình chị Thủy

1. Trích tiền mặt sẵn để làm "quỹ dự phòng 12 tháng"

Ngoài thu nhập đến từ lương của anh Thủy và tiền cho thuê nhà mỗi tháng, gia đình chị đang có một khoản dư thừa là 1,5 tỷ. Gia đình nên trích tiền mặt sẵn để làm "quỹ dự phòng 12 tháng":

- Quỹ dự phòng sinh hoạt: để dùng khi chồng thất nghiệp hoặc mất tiền thuê nhà. Có thể giữ khoảng 300–500 triệu trong tài khoản thanh khoản cao (gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn, hoặc tài khoản linh hoạt).

- Quỹ y tế: để phòng cho bệnh của chồng (vì đây là chi phí không thể cắt), dành khoảnh 100–200 triệu riêng cho thuốc, khám chữa bệnh.

Như vậy, kể cả khi thu nhập bị gián đoạn vài tháng, thì thu nhập và chi tiêu của cả nhà vẫn trong tầm kiểm soát.

Vợ chồng ở TP.HCM, tài sản hơn 20 tỷ, vẫn mất ăn mất ngủ vì "cơm áo gạo tiền" và chuyện chi tiêu hàng tháng- Ảnh 4.

2. Đa dạng thu nhập từ bất động sản cho thuê

Đối với khoản tiền cho thuê nhà, gia đình chị có thể đa dạng nguồn thu bằng cách thay đổi các hình thức cho thuê. Mục tiêu là tăng dòng tiền và giảm phụ thuộc vào một hợp đồng thuê cố định.Ví dụ:

- Cho thuê ngắn hạn (Airbnb, khách lưu trú ngắn ngày), nếu nhà gần trung tâm hoặc có vị trí tốt.

- Tách một căn làm văn phòng, kho bãi, mặt bằng nhỏ.

- Cho thuê từng phòng riêng biệt (nếu cấu trúc nhà phù hợp).

3. Không bán tài sản để tiêu dùng khi chưa cần thiết

Nhiều người nghĩ "bán đất đi mà xài", nhưng thực tế tài sản nên để tích lũy lâu dài, trừ khi rơi vào tình huống cực kỳ cấp bách. Thay vào đó:

- Cố gắng chỉ chi tiêu bằng tiền mặt và tiền cho thuê, tránh rút đến tài sản.

- Cân nhắc nếu cần vay ngân hàng (nếu lãi suất thấp, đảm bảo được dòng trả).

4. Tăng nguồn thu ổn định, giảm phụ thuộc vào chồng

Hiện chị Thảo đang bán hàng online, thu nhập dao động. Nếu chị có thể chuyển hoạt động này thành kinh doanh ổn định hơn thì sẽ giảm bớt áp lực:

- Tập trung vào một mảng sản phẩm chủ lực (thay vì bán lặt vặt).

- Đăng ký gian hàng cố định trên sàn TMĐT (Shopee, Tiki, TikTok Shop...).

Chỉ cần duy trì ổn định 15–20 triệu/tháng là gia đình đã thêm một khoản thu nhập ổn định đề phòng trường hợp anh Thủy nghỉ việc.

Kết luận

Có tải sản không đồng nghĩa với cảm giác an toàn, ví dụ như trường hợp của chị Thủy, dù có trong tay 3 căn nhà và 1 mảnh đất tại Tp.HCM, chị vẫn có cảm giác lo lắng bất an trước những thay đổi của cuộc sống hàng ngày.

Bất kể trong trường hợp nào, sự chuẩn bị tài chính cụ thể và khoa học mới là điều quyết định sự ổn định trong kinh tế, chứ không phải số lượng căn nhà hay mảnh đất đang nắm trong tay.