Biến động mạnh nhân sự ngành ngân hàng

Admin
BIDV là nhà băng có số lượng nhân viên lớn nhất hệ thống với 28.998 người, ở vị trí thứ 2 là VPBank với 27.428 nhân viên. Tiếp theo là VietinBank đứng thứ 3 với 24.731 nhân viên, Vietcombank duy trì vị trí số 4 với 24.306 người.

Nơi tăng nơi giảm

Gần đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) xảy ra ồn ào xung quanh câu chuyện sa thải nhân viên có kinh nghiệm lâu năm, làm việc đạt hiệu quả nhưng không có bằng tốt nghiệp đại học.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024 của Sacombank, nhà băng này ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về nhân sự khi hơn 350 nhân viên rời khỏi ngân hàng, khiến quy mô nhân sự của Sacombank giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, quy mô nhân sự Sacombank là 17.058 người, giảm tới 351 người so với cuối năm 2023. So với năm 2019, Sacombank đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự trong 5 năm qua.

Trong năm 2024, Sacombank đã chi 6.320 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho nhân viên, tăng 456 tỷ đồng so với năm 2023. Theo đó, thu nhập bình quân nhân viên năm 2024 đạt khoảng 30,6 triệu đồng/tháng, cao hơn mức 30 triệu đồng/tháng trong năm 2023.

Về thù lao cho lãnh đạo cấp cao, Hội đồng quản trị, Ban tổng Giám đốc và Ban Kiểm soát nhận tổng mức thù lao năm 2024 là 108 tỷ đồng, giảm 5,6 tỷ đồng so với năm 2023. Riêng Hội đồng quản trị nhận hơn 32,5 tỷ đồng, tăng 2,5 tỷ đồng so với năm trước. Với mức chi này, trung bình mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận hơn 4,6 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 387 triệu đồng/tháng.

Biến động mạnh nhân sự ngành ngân hàng- Ảnh 1.

Trong quý IV/2024, Sacombank có hơn 350 nhân viên rời khỏi ngân hàng.

Một ngân hàng khác cũng có số lượng nhân sự biến động mạnh là BIDV . Tại 31/12/2024, Ngân hàng BIDV (mã chứng khoán: BID) là nhà băng có số lượng nhân viên lớn nhất hệ thống (trừ Agribank chưa niêm yết trên sàn chứng khoán).

Cụ thể, BIDV đang có 28.998 người, dù đã cắt giảm 999 nhân sự so với đầu năm. Năm 2024 cũng là lần cắt giảm nhân sự mạnh nhất của BIDV trong gần một thập kỷ qua, kể từ năm 2017 - khi giảm 200 người.

Đứng ở vị trí thứ 2 là VPBank (mã chứng khoán: VPB) với 27.428 nhân viên, tăng 2.455 người trong năm 2024. VietinBank (mã chứng khoán: CTG) đứng thứ 3 với 24.731 nhân viên, tăng 89 người so với đầu năm. Vietcombank (mã chứng khoán: VCB) duy trì vị trí số 4 với 24.306 nhân viên, sau khi tăng thêm 813 người.

MBBank (mã chứng khoán: MBB) trong năm qua đã tuyển dụng thêm 9 nhân sự, nâng tổng số nhân viên lên 18.693 người, vượt qua HDBank (mã chứng khoán: HDB) để đứng ở vị trí thứ 5. HDBank tiếp tục giữ vững vị trí số 6 với 18.533 nhân viên, sau khi tuyển dụng thêm 1.188 người.

Đứng ở vị trí thứ 7 là Sacombank với 17.058 người, tiếp theo là ACB (13.290 người, giảm 365 nhân viên trong năm 2024), Techcombank (11.848 người), VIB (11.736 người dù cắt giảm 517 nhân viên trong năm qua), LPBank (11.189 người).

Các ngân hàng có từ 5.000 đến dưới 10.000 nhân viên, gồm TPBank (7.890 người), OCB (7.026 người), MSB (6.678 người), Eximbank (6.437 người), SeaBank (5.557 người), NamABank (5.317 người).

Các ngân hàng khác có số nhân viên dưới 5.000 người, như Kiên Long Bank (3.717 người), BVBank (2.853 nhân viên), PGBank (1.918 người), VietABank (1.597 người), SGBank (1.538 người).

Theo dữ liệu của Tiền Phong, tổng số lượng nhân sự ngành ngân hàng (niêm yết trên sàn chứng khoán) tại thời điểm 31/12/2024 là 241.417 người, tăng 5.467 người so với thời điểm đầu năm 2024. Trong đó hai nhà băng tăng mạnh nhất là MB tăng 1.674 người lên 12.155 người và VPBank tăng 1.404 người lên 15.003 người. Ngoài ra còn có HDBank tăng 965 người lên 10.592 người, Vietcombank tăng 796 người lên 23.538 người, LPBank tăng 562 người lên 11.189 người.

Ai thu nhập cao nhất?

Từ đầu năm nay, các ngân hàng lớn như VIB, BIDV, MB, VietinBank, SHB... triển khai tuyển dụng cả nghìn nhân sự. Cụ thể, VIB khởi động chiến dịch tuyển dụng quy mô lớn với mục tiêu bổ sung 1.200 nhân sự, gồm quản lý khách hàng, quản lý khách hàng ưu tiên, giám đốc bán hàng. Đợt tuyển dụng này không chỉ tập trung ở các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng mà còn mở rộng ra các khu vực tỉnh lân cận như Bình Phước, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh.

Tương tự, BIDV tuyển dụng hàng trăm nhân sự vào các vị trí chuyên môn như chuyên viên phát triển phần mềm và phân tích nghiệp vụ (BA). Ngân hàng cho biết thời gian ứng tuyển kéo dài đến cuối năm, tạo điều kiện cho các ứng viên trên toàn quốc tham gia.

VietinBank chủ yếu tuyển dụng tại Hà Nội và TPHCM, với các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý rủi ro thị trường. MBBank cũng tìm kiếm nhân sự cho các vị trí giám đốc phòng giao dịch, trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, giao dịch viên, chuyên viên tập sự...

Biến động mạnh nhân sự ngành ngân hàng- Ảnh 2.

Techcombank là nơi trả lương cao nhất hệ thống ngân hàng với thu nhập bình quân là 48 triệu đồng/người/tháng.

SHB đang triển khai kế hoạch tuyển dụng tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang. Các vị trí tuyển dụng gồm chuyên viên hành chính, chuyên viên cấp cao thẩm định tài sản, chuyên viên quản lý nghiệp vụ dịch vụ khách hàng, marketing, kiểm soát kế toán...

Trong năm qua, thu nhập bình quân của nhân viên Techcombank là 48 triệu đồng/người/tháng, đứng đầu hệ thống. Các ngân hàng đứng sau là HDBank (38,65 triệu đồng), Vietcombank (38 triệu đồng), ACB (37,83 triệu đồng), BIDV (37,82 triệu đồng), VietinBank (37,59 triệu đồng), TPBank (34,14 triệu đồng), MSB (33,64 triệu đồng), VIB (31,29 triệu đồng), VPBank (31 triệu đồng), NCB (30,97 triệu đồng), Sacombank (30,87 triệu đồng), SeABank (30,20 triệu đồng)…

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Tiến Sĩ, Phó giám đốc Trung tâm Sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM khẳng định, nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng hầu như lúc nào cũng có.

Tại Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại sáng 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng phải tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt các mục tiêu này, tín dụng phải tăng trên 16%. Vì vậy, trong thời gian tới, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải phát triển hệ thống, tuyển thêm nhân sự, để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Về việc một số ngân hàng sa thải nhân viên gần đây, ông Trương Tiến Sĩ cho rằng, đó không phải là cho nghỉ hàng loạt mà có thể là nhân viên không đáp ứng nhu cầu công việc, bằng cấp không chuẩn hóa.

Biến động mạnh nhân sự ngành ngân hàng- Ảnh 3.

“Ngày hội thực tập và việc làm HUB” hằng năm quy tụ sự tham gia của hàng chục ngân hàng với quy mô lên tới hàng trăm gian hàng tuyển dụng.

“Ngoài yêu cầu tốt nghiệp đại học để đáp ứng kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, nhân sự ngành này còn cần am hiểu về các xu hướng mới như ứng dụng công nghệ số, ứng dụng AI , tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm… để thích nghi nhanh với môi trường chuyển đổi số”, ông Sĩ nói.

Ông Trương Tiến Sĩ cho biết thêm, hằng năm Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đều có tổ chức “Ngày hội thực tập và việc làm HUB”, quy tụ sự tham gia của hàng chục ngân hàng với quy mô lên tới hàng trăm gian hàng tuyển dụng. Theo thăm dò của năm nay, nhu cầu tham gia và tuyển dụng tại “Ngày hội thực tập và việc làm HUB” không giảm mà còn tăng so với các năm trước.