
Khác với nhiều loài cây ăn trái khác, sầu riêng chỉ ra hoa và thụ phấn vào ban đêm. Khi hoàng hôn buông xuống, khoảng từ 5h đến 7 h tối, những chùm hoa trắng ngà bắt đầu bung nở.

Mùi hương ngọt ngào, nồng nàn và quyến rũ của hoa sầu riêng lan tỏa khắp không gian, gọi mời muôn vàn côn trùng tìm đến trong đêm.

Với mong muốn cây ra trái tròn đều, đạt năng suất và chất lượng cao, vào những đêm mùa khô tháng 3 đến tháng 4, những người nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại bắt đầu công việc “se duyên” cho hoa sầu riêng.

Khắp các vườn sầu riêng, rộn ràng bóng dáng người nông dân cặm cụi làm việc trong đêm tối. Dưới ánh pin le lói, họ khéo léo sử dụng những chiếc chổi mềm, sợi mảnh để nhẹ nhàng lấy phấn từ nhụy của những chùm hoa này, rồi tỉ mỉ quét lăn đều lên nhụy của các chùm hoa khác.

Mọi thao tác quét phấn sầu riêng đều được thực hiện tỉ mỉ, nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương hay gãy vòi nhụy. Bởi vòi nhụy có tác dụng thụ phấn. Do đó, nếu bị gãy, rụng thì hoa sẽ không thể đậu quả.

Theo nhiều nông dân, thời điểm vàng để thụ phấn là 1 đến 2 tiếng sau khi hoa sầu riêng nở. Khi ấy, hạt phấn đã chín, giúp việc thụ phấn đạt hiệu quả cao.

Việc thụ phấn cho hoa sầu riêng là một công đoạn quan trọng, không chỉ giúp tăng tỉ lệ đậu trái mà còn làm cho quả sầu riêng phát triển tròn đều, hạn chế tình trạng méo trái.

Giữa bóng tối vây quanh, chỉ có những bước chân nhẹ nhàng của người nông dân trèo lên cây sầu riêng cao vút để "se duyên".

Sau khoảng 1-2 ngày kể từ khi thụ phấn, người trồng lại tiếp tục công việc rung nhẹ từng chùm hoa để giúp đài hoa rụng. Nếu bỏ qua công đoạn này, đài hoa sẽ bám lại trên cuống, cản trở sự phát triển của trái sầu riêng và dễ gây méo quả.

Nếu để quá lâu, đài hoa sẽ héo nhưng không thể tự rụng, buộc nhà vườn phải nhặt từng cái một, rất mất công và tốn thời gian.

Đài hoa và hoa sầu riêng rụng trắng gốc.

Không ít nhà vườn thức trắng đêm để thụ phấn cho hoa sầu riêng.

Cây sầu riêng hấp thu dinh dưỡng theo chiều từ ngọn cành vào trong, từ trên xuống dưới. Vì vậy, những chùm hoa mọc ở đầu ngọn thường được cắt bỏ, nhằm tập trung dưỡng chất cho những chùm hoa và quả phát triển bên trong thân chính.

Ngoài việc thụ phấn, người nông dân còn theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng để đảm bảo cây không đồng thời phát triển trong giai đoạn xổ nhụy. Bởi đọt non phát triển sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với hoa, dễ khiến hoa rụng hàng loạt hoặc quả non không giữ được. Khi phát hiện đọt sầu riêng phát triển trong giai đoạn này, các nhà vườn sẽ chủ động sử dụng thuốc để đốt, khống chế đọt, giúp cây dồn sức nuôi trái.

Mỗi trái sầu riêng non đậu lại sau khi thụ phấn là một mầm hy vọng của người nông dân sau những đêm thức trắng, tận tụy chăm sóc.

Thế nhưng, sau khi đậu, không ít quả non lại bị rụng sinh lý. Đây là một cơ chế tự nhiên giúp cây chọn lọc và tập trung nuôi dưỡng những quả có khả năng phát triển tốt nhất.

Cây sầu riêng vốn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nên người nông dân luôn phải theo dõi sát sao để kịp thời xử lý khi có những dấu hiệu bất thường, đồng thời bổ sung các loại phân bón, dưỡng chất và nước tưới cho cây.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, tổng diện tích sầu riêng hiện nay trên toàn tỉnh Đắk Lắk là 37.381ha; sản lượng năm 2024 đạt gần 318 ngàn tấn.
Tổng số mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu của toàn tỉnh là 68 vùng trồng, với tổng diện tích 2.521 ha. Trong đó, huyện Krông Pắk 37 vùng trồng; Krông Búk 17 vùng trồng; Cư M'gar 4 vùng trồng; Ea H'leo 5 vùng trồng; Krông Năng 3 vùng trồng; thị xã Buôn Hồ 1 vùng trồng; Tp.Buôn Ma Thuột 1 vùng trồng.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Mục tiêu của đề án, đến năm 2030, diện tích sầu riêng phát triển ổn định khoảng 40.000 ha, sản lượng đạt 790.000 tấn/năm.
Khánh Ngọc