Ngày 4-4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã họp với các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), cơ quan ngoại giao để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề liên quan việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế 46%.
Việt Nam ứng xử kịp thời, hài hòa
Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội ngành hàng đồ gỗ, thủy sản, điện tử, da giày, dệt may… đều nhấn mạnh thị trường Mỹ là thị trường quan trọng, có tính dẫn dắt. Đồng thời, bày tỏ quan ngại với việc áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã họp với các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao vào chiều 4-4 Ảnh: TRẦN MẠNH
Các ý kiến thảo luận tại cuộc họp đã nhấn mạnh các ngành hàng nông - lâm - thủy sản, giày dép mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ là những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao, có lợi thế so sánh mà còn bổ trợ cho nền kinh tế, có lợi cho người tiêu dùng Mỹ. Việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ là cả hai cùng có lợi. Các DN, hiệp hội khẳng định sẵn sàng tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ. Đồng thời cung cấp chứng cứ để chứng minh xuất xứ, năng lực để phục vụ cho quá trình đàm phán.
Ông Đinh Việt Phương, Tổng Giám đốc Vietjet (Tập đoàn SOVICO), cho biết năm 2025, DN sẽ nhận 10 tàu bay của Boeing với trị giá 1,8 tỉ USD, tổng các hợp đồng từ Mỹ năm nay khoảng 2,2 tỉ USD… Theo ông Phương, các hợp đồng của Vietjet cũng như của Tập đoàn SOVICO (cổ đông sáng lập của Vietjet - PV) với phía Mỹ là chiến lược, bền chặt. Ông cũng nhấn mạnh trong quá trình đó, DN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ để có được kết quả tốt với thị trường Mỹ. Đại diện Vietjet cũng nêu các kiến nghị để cuộc đàm phán sắp tới về chính sách thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ có kết quả tốt đẹp.
Phía Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đánh giá cao cách ứng xử kịp thời, hài hòa của Việt Nam trước việc Mỹ thông báo áp thuế. Đại diện hiệp hội, hội đồng cũng đề cập các nội dung cần bàn thảo, đàm phán, tháo gỡ các rào cản, thách thức để có các biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả với các vấn đề Mỹ nêu ra để 2 nền kinh tế cùng phát triển.
Lãnh đạo các bộ, ngành dự họp cũng khẳng định Việt Nam tiếp tục đối thoại, rà soát để xem xét, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, điều chỉnh các sắc thuế đối với các nhóm mặt hàng, ngành hàng. Đồng thời, bày tỏ mong muốn được nhập khẩu các sản phẩm khoa học - công nghệ, nhóm hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, có thế mạnh của Mỹ để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại hai nước.
Tăng cường nhập hàng hóa từ Mỹ
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Việt Nam luôn chủ động, cầu thị, phối hợp mạnh mẽ với phía Mỹ để đàm phán thuế một cách công bằng; chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại 2 chiều theo hướng cả hai cùng có lợi. Theo Phó Thủ tướng, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP, trong đó đã giảm nhiều dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam. Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy các hợp đồng mua hàng hóa từ Mỹ (máy bay, khí LNG…); tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Mỹ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. "Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng cường mua nguyên liệu, thiết bị từ phía Mỹ" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định thiện chí đàm phán để sớm tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thuế quan. Đồng thời cho biết Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Mỹ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1 đến 3 tháng để đàm phán, hướng tới bảo đảm công bằng về thuế. Bên cạnh việc đàm phán, Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp để tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Mỹ. Bên cạnh đó, mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số…
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán. Đồng thời chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả để giữ thị trường Mỹ.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN chuyển thông điệp thiện chí từ Chính phủ và cộng đồng DN Việt Nam tới chính quyền Tổng thống Donald Trump, để việc đàm phán hiệu quả, đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, hàng hóa của Việt Nam và Mỹ không cạnh tranh nhau mà bổ trợ cho nhau. Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động rà soát, giảm nhiều sắc thuế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần DN hoạt động, để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ có những giải pháp phù hợp, bàn thảo hiệu quả với phía Mỹ với tinh thần cả hai cùng thắng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN sản xuất - kinh doanh.
Việt Nam đang tích cực trao đổi với phía Mỹ
Ngày 4-4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. "Chúng tôi cho rằng quyết định trên chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương và lợi ích của người dân, DN hai nước nếu được áp dụng" - bà Hằng nói.
Người phát ngôn nhấn mạnh thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trao đổi, thảo luận các biện pháp cụ thể với Mỹ nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hướng đến thương mại công bằng, bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên.
Theo bà Hằng, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và DN hai nước.
D.Ngọc
Chuẩn bị các phương án về thuế để đàm phán với Mỹ
Tại cuộc họp báo quý I/2025 chiều 4-4, Bộ Công Thương cho biết đã trao đổi với Bộ Tài chính, sẵn sàng các phương án phối hợp để đàm phán với phía Mỹ về vấn đề thuế quan. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 46% đối với hàng Việt Nam vào nước này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi công hàm với phía Mỹ đề nghị tạm hoãn áp thuế vào ngày 9-4.
Hiện, qua các kênh khác nhau, Bộ Công Thương đã và đang sắp xếp các cuộc trao đổi với phía Mỹ để bàn về các vấn đề liên quan đến lệnh áp thuế này. "Chúng tôi sẽ thu xếp và có cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với người đồng cấp Mỹ về vấn đề thương mại mà hai quốc gia quan tâm" - ông Tân nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đầu tuần sau, Chính phủ sẽ cử một phái đoàn sang Mỹ do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đứng đầu. "Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng gặp phía bạn để đàm phán" - ông nhấn mạnh.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, cho biết hiện nay Bộ Công Thương vẫn duy trì làm việc cấp kỹ thuật và chuyên viên với phía Mỹ, thường xuyên trao đổi thông tin. Thời gian tới, hai bên trao đổi thông tin nhu cầu của Mỹ thế nào, Việt Nam ra sao. Việt Nam muốn duy trì chính sách công bằng, là đối tác có trách nhiệm, sẵn sàng trao đổi, thảo luận.
Về câu hỏi Bộ Công Thương có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trước tác động từ thuế đối ứng của Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: "Chưa bàn câu chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Trong cuộc họp vừa qua, Thủ tướng cũng khẳng định chưa bàn đến câu chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, không điều chỉnh GDP tăng 8% trong năm 2025. Tất cả chúng ta cần bình tĩnh".
Cũng liên quan việc Mỹ công bố áp thuế 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm các hoạt động đầu cơ nâng giá, gây mất ổn định kinh tế, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư..., bảo đảm niềm tin thị trường, ổn định đời sống nhân dân.
Th.Linh