'Chưa bao giờ ngành ngân hàng 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay'

Admin
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, với 50 - 100 triệu giao dịch tài chính mỗi ngày, ngân hàng nào không có đội ngũ am hiểu công nghệ, ngân hàng đó đứng ngoài cuộc chơi.

90% giao dịch qua kênh số

Tại diễn đàn "Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng khoa học, công nghệ" sáng 16/7, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số.

Các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, không còn giao dịch viên nào đọc chứng từ ngân hàng nữa. Điều đó, đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh. Điều đặc biệt quan trọng phải có một đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin đi cùng với nhau để xây dựng nghiệp vụ đó. Ngân hàng nào không làm được điều đó không tham gia được cuộc chơi. Như vậy, hình thành nên một đội ngũ ngân hàng mới, đó là công nghệ là nghiệp vụ hiểu biết lẫn nhau và đi cùng nhau.

'Chưa bao giờ ngành ngân hàng 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay'- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng.

"Cán bộ ngân hàng trước kia rất hiểu về kế toán, định tài khoản này, nợ tài khoản này... và công việc của họ là hạch toán. Nay, máy tự động hạch toán từ khâu quẹt tiền qua điện thoại trả tiền bán cá, bán rau... lập tức hệ thống trừ tiền của người mua hàng và chuyển qua người bán hàng. Thực tế khiến ngân hàng sinh ra đội ngũ nhân viên hoàn toàn khác trước đây. Một điểm rất khác nữa là số lượng và giá trị giao dịch. Trước kia chúng ta mơ là một ngày có 1 triệu giao dịch, còn bây giờ mỗi ngày có 50 -100 triệu giao dịch tài chính. Nó thách thức chúng ta ở câu chuyện kiểm soát thế nào?", ông Dũng nói.

Theo Phó Thống đốc, hệ thống ngân hàng áp dụng AI vào công việc hạch toán, áp dụng công nghệ mới để kiểm soát, phát hiện những lỗi về giao dịch.

"Đến ngày hôm nay theo thống kê, cả nước có khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi, với 87% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, một con số mà năm 2017 không bao giờ chúng ta mơ tới. Và nhân lực của ngân hàng cũng phải thay đổi, hầu hết các ngân hàng đã phải thành lập một khối chuyên trách, đó là khối dữ liệu, tương tự như là khối tín dụng để theo kịp khối lượng giao dịch, tài khoản", ông Dũng cho hay.

Do sự gia tăng của khối lượng giao dịch và tài khoản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nhiều ngân hàng hiện nay đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng. Như vậy, ngân hàng sẽ hình thành một hệ thống quản lý rủi ro khác bao trùm lên đó là an ninh an toàn công nghệ thông tin.

"Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Chúng ta thấy một bức tranh thay đổi hoàn toàn, từ tiếp xúc trực tiếp đến cách thức quản trị, cách thức giám sát, nhân lực. Chúng ta đang phải thích nghi với thay đổi này", Phó Thống đốc nói.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, càng những người có nhiều tri thức sẽ càng dễ dàng bị thay thế bằng trí tuệ nhân tạo, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Thứ trưởng Duy cho rằng, với nhóm nhân viên IT trong các ngân hàng bây giờ phải trang bị lại kiến thức mới theo các nền tảng mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo.

"Cứ 6 tháng đến 1 năm có một đời công nghệ mới ra đời. Các hệ thống tiếp theo của AI sẽ là hệ thống chủ động, nó như một sinh vật sống, sẽ tự động tư vấn cho chúng ta, tự động làm những công việc cần làm. Ngoài ra sẽ còn xu thế máy tính lượng tử, sẽ đặt ra vấn đề rất lớn về các loại mã hoá, đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ. Do đó việc cập nhật trong đào tạo nhân lực công nghệ sẽ là việc làm liên tục", Thứ trưởng cho hay.

Tăng cung nhân lực công nghệ ngân hàng từ đào tạo

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - cho rằng, việc nâng cao năng lực số cho nhân lực ngành ngân hàng là điều tất yếu trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Thời điểm này, nguồn cung về công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nhu cầu nhân lực tăng lên rất mạnh: Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ; thì đến 2026 là 750.000 người.

'Chưa bao giờ ngành ngân hàng 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay'- Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng.

Theo bà Hoàng Anh, để có được một nguồn cung nhân lực công nghệ đáp ứng đủ cầu trong ngành ngân hàng cần ban hành khung năng lực số cho ngành ngân hàng, theo vị trí công tác; tăng cường hợp tác theo “mô hình 3 nhà”: Ngân hàng nhà nước - Các cơ sở đào tạo - các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ.

"Chúng tôi mong muốn xây dựng được bộ tiêu chuẩn về đào tạo số cho ngành ngân hàng và mong muốn có được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước để có thể đào tạo tốt hơn, làm sao gắn kết lý thuyết với thực tiễn, sinh viên được tham gia nhiều hơn vào thực tiễn, có thêm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu", bà Hoàng Anh nói.

Cũng đề xuất liên quan đến tăng nguồn nhân lực ngân hàng về công nghệ, TS. Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng: "Có nhiều giải pháp tăng cung nhân lực nhưng một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số - ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu - nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.