“Ôi chiến trận không bến không bờ, ngày mai hay hôm nay, hôm nay hay ngày mai, nói đi số mệnh ơi, bao giờ tôi sẽ…”
Tôi nghĩ đến câu văn này trong tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của nhà văn Bảo Ninh khi hình ảnh về một đêm bình yên hiếm hoi của những người lính du kích tại địa đạo Củ Chi hiện lên trên màn hình lớn. Một tiếng hát buồn mênh mang vang lên giữa đống hoang tàn của khu rừng đã bị bom đạn xới nát. Họ đang ở ngồi ở đó nhưng dường như không ai thật sự ở đó. Mỗi người đều đang thả mình trôi trong những miền suy nghĩ xa xôi nhất mà tâm trí có thể chạm đến. Không ai biết trận chiến tiếp theo sẽ ập đến vào lúc nào, ai sẽ là người tiếp theo nằm lại nơi này, tới khi nào thì tất cả những cảnh bạo tàn của chiến tranh mới kết thúc, và biết đâu đấy, ngày mai sẽ là ngày phải hy sinh…?

Địa Đạo không phải một bộ phim chiến tranh được kể theo lối thông thường với những câu chuyện tô đậm chủ nghĩa anh hùng và những tình tiết hoặc đẫm nước mắt, hoặc kịch tính, vẻ vang. Giống như những thước phim tài liệu vô tình được lưu lại và sắp xếp tỉ mỉ, Địa Đạo khắc họa chiến tranh ở những khía cạnh cực kỳ chân thực, trần trụi và con người. Bộ phim là những lát cắt liên tục về đời sống của những chiến sĩ du kích dưới lòng địa đạo Củ Chi. Chiến đấu, bảo vệ, nương tựa lẫn nhau, yêu và hy vọng.
Sự trần trụi của cuộc chiến được thể hiện một cách rõ nét qua những thước phim tỉ mỉ và những đại cảnh đầy chi tiết. Trong Địa Đạo, khán giả được đặt vào một cự li gần với cỗ máy bạo tàn của chiến tranh. Với quy mô dàn dựng và những khung hình kể chuyện, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mang đến cho khán giả bầu không khí đặc quánh sự khốc liệt và căng thẳng của cuộc chiến. Cái chết lẩn quất trong từng hơi thở, người lính không chỉ phải kìm nén những nhu cầu cơ bản, mà họ phải cách kìm nén cả nỗi đau mất mát khi chứng kiến người thân của mình hy sinh. Đôi mắt nửa đau đớn, nửa chấp nhận của Thái Hòa khi nghe lời nói dối về sự an nguy của đám trẻ cho ta thấy gần hơn trái tim phức tạp của một người chỉ huy can trường, nhưng cũng là một người cha đầy tình yêu thương. Trong địa đạo, tất cả đều gạt đi giấc mơ, gạt đi câu chuyện của riêng mình, gạt đi những cảm xúc cá nhân để chiến đấu cho niềm tin vào cách mạng. Ở trên mặt đất là những trận càn đầy máu và lửa của quân thù, là những trận bom napalm không khoan nhượng dày xéo chiến trường Bình An Đông, là cảnh chết chóc của mặt đất nát bươm, cây rừng trơ trọi và xác người lẩn quất dọc những bờ sông. Ở dưới mặt đất lại là bầu không khí ngột ngạt của địa đạo, là những đường hầm bức bối đầy bụi, cát và sỏi. Ở trên mặt đất là cái chết. Ở dưới mặt đất lại là những hy vọng và tình người.

Tính con người là sợi dây xuyên suốt cho tất cả các nhân vật trong cả chiều dài bộ phim. Họ không phải những người bẩm sinh là anh hùng. Họ cũng mắc lỗi lầm và để cho sự căm thù dẫn lỗi trong mỗi quyết định bộc phát. Sau những phút giây chiến đấu, họ trở lại là những cô cậu thanh thiếu niên với đầy những ưu tư về tương lai, sống trong nỗi bất an vì sự bạo tàn của cuộc chiến, và trên hết, họ khát khao yêu và được yêu như những gì trái tim non trẻ mách bảo. Ba Hương vì muốn tìm hiểu về lời hẹn ước giữa hai người mẹ mà sẵn sàng về lại quê nhà chỉ để hỏi cho ra nhẽ, cô du kích lì lợm và sắt đá cũng đã có những phút biết ghen khi thấy chiếc lược mà Tư Đạp làm tặng cho các cô gái cùng tiểu đội. Trong cảnh nóng cuối phim, khi cả hai đối diện với lằn ranh sinh tử, họ đã quyết định đón nhận số phận của mình trong cuộc chiến và cho phép bản thân được một lần sống với bản năng yêu đương - vì sau đó, rất có thể sẽ là cái chết. Tình yêu của Ba Hương và Tư Đạp như một sợi chỉ đỏ mong manh, ẩn hiện, xuất hiện thấp thoáng để nhấn mạnh vào những khía cạnh rất con người của các chiến sĩ. Tình yêu không đóng vai trò như động lực, mà nó ở đó để nhắc họ rằng mình đang sống.

21 người du kích, 21 con người khác nhau với những câu chuyện riêng về cuộc đời, thời cuộc đẩy họ vào những đường hầm chằng chịt của địa đạo và lý tưởng về hòa bình là thứ keo gắn kết họ lại với nhau, thôi thúc họ chiến đấu vượt qua cả những nỗi sợ hãi về sự đau đớn hay cái chết. Họ yêu thương, sẻ chia với nhau từ ngụm nước, miếng cơm, cho đến những tâm tư đầy phức tạp của một người trẻ thời chiến. Lý tưởng là điều khiến họ dù chỉ là những người du kích không được đào tạo bài bản, chiến đấu bằng vũ trang thô sơ - nhưng có thể chơi sòng phẳng và cầm chân được quân đội Mỹ được trang bị những vũ khí tối tân. Nếu không phải vì lý tưởng, vì chính nghĩa, vì tình yêu hòa bình cháy bỏng, họ sẽ không thể hy sinh cả tuổi trẻ của mình để lao và một cuộc chiến sống còn với kẻ thù được mệnh danh là Đế Quốc.

“Địa đạo là chiến tranh nhân dân. Tụi bay không có cách nào thắng được” - lời tuyên bố hùng hồn của chú Sáu trước khi hy sinh cảm tử - như tóm gọn lại tất cả sự dồn nén, nỗi đau và căm hận chiến tranh của những người du kích vẫn đang cầm súng hay đã ngã xuống ở địa đạo. 128 phút của bộ phim đưa khán giả vào một hành trình ngược dòng về quá khứ, để được chứng kiến những lát cắt rất nhỏ trong hàng nghìn những số phận đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nơi mảnh đất Củ Chi này. Người trẻ Việt Nam nên xem, cần xem và phải xem Địa Đạo để chứng kiến sự bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ, và trân trọng hơn những gì đang có ở hiện tại.
Khoảnh khắc tôi từ phòng chiếu phim bước ra ngoài, ngắm nhìn bầu trời trong trẻo và sự ồn ào, xa hoa của những tòa cao ốc mới mọc lên ở Sài Gòn - tôi đã không thể tin được những gì diễn ra trên màn ảnh đã từng là những gì diễn ra ở mảnh đất này, và mới chỉ cách đây 50 năm thôi. Địa Đạo là bộ phim không chỉ để thế hệ trước hoài niệm, mà còn để nhắc chúng ta không được quên máu thịt và niềm tin của ông cha là thứ đã xây đắp nên hòa bình của hiện tại, là thước phim về những tháng ngày thanh xuân trong đạn bom của cả một thế hệ đã để lại tuổi trẻ nơi chiến trường, hay như nhà văn Bảo Ninh đã viết trong Nỗi Buồn Chiến Tranh: “…những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hy sinh tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.”
