Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam

Admin
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?

Giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới

Tại thị trường quốc tế, giá cà phê trên 2 sàn đảo chiều trong phiên vừa qua. Đồng USD cao đã kìm hãm đà tăng của robusta , nhưng arabica vẫn tăng tốt.

Trên sàn giao dịch London, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 giảm nhẹ 0,23% (11 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, xuống còn 4.787 USD/tấn. Tương tự, hợp đồng giao tháng 3/2025 cũng giảm 0,21% (10 USD/tấn), đạt 4.732 USD/tấn.

Ngược lại, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 tiếp tục tăng 0,77% (2,25 US cent/pound), lên mức 294,75 US cent/pound. Hợp đồng giao tháng 5/2025 tăng 0,74% (2,15 US cent/pound), đạt 292,4 US cent/pound.

Thời gian qua, giá cà phê trên thế giới tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, dẫn đến giảm nguồn cung. Ngoài ra, những cuộc xung đột quân sự trên thế giới cũng khiến chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác trong xuất khẩu tăng cao.

Trong niên vụ này, giá cà phê thế giới neo cao do lo ngại sản lượng xuất khẩu từ 2 nước xuất khẩu cà phê lớn nhất là Việt Nam và Brazil giảm mạnh trong thời gian tới.

Hãng tư vấn StoneX dự đoán sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2025-2026 giảm 0,4% so vụ hiện tại do ảnh hưởng của khô hạn kéo dài trong giai đoạn ra hoa. Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu có thể hạn chế nguồn cung cà phê từ Brazil, nơi xảy ra tình trạng phá rừng.

Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam- Ảnh 1.

Giá cà phê tăng cao, khách quốc tế chưa dám 'chốt đơn'. Ảnh minh họa: Internet.

Tại thị trường trong nước, sau phiên giảm giá, giá cà phê nội địa ngày 22/11 đã tăng mạnh trở lại, mức tăng từ 1.700 - 1.800 đồng/kg.

Hiện giá thu mua cà phê trung bình tại Tây Nguyên là 115.300 đồng/kg. Giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai ở mức 115.200 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cà phê được thu mua ở mức giá cao nhất là 115.300 đồng/kg. Cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua với giá 114.800 đồng/kg.

Theo chuyên gia nhận định giá cà phê Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Với lo ngại thiếu nguồn cung, trong khi Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới nên giá robusta liên tục tăng cao và lập đỉnh mới. Giá cà phê Arabica cũng dao động quanh mức cao nhất trong 13 năm qua.

Tuy nhiên, sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 có thể giảm 10-15% so với niên vụ trước.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) - chia sẻ, tại Việt Nam, cà phê đã bắt đầu niên vụ mới. Sản lượng cà phê niên vụ này được dự báo giảm là do những năm trước giá cà phê thấp (chỉ ở mức 40.000 đồng/kg) nên người dân phá cây cà phê trồng sang một số cây ăn quả có lợi nhuận cao hơn. Với những diện tích trồng xen canh cây ăn quả với cây cà phê thì vẫn ưu tiên cây ăn quả hơn. Năm nay, biến đổi khí hậu khiến một số vùng trồng cà phê bị khô hạn, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, dẫn đến năng suất thấp hơn năm ngoái.

“Việc giảm sản lượng thu hoạch cà phê không gây ảnh hưởng quá lớn, Việt Nam vẫn đảm bảo sản lượng xuất khẩu, không gây thiếu hụt như nhiều nơi dự báo, chuỗi cung ứng sẽ không có vấn đề và không bị gián đoạn. Dù sản lượng giảm nhưng giá cà phê Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khiến cho kim ngạch xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng lên”, ông Hải nhận định.

Khó tìm điểm cân bằng về giá

Theo thống kê của VICOFA, trong 15 ngày đầu tháng 11, Việt Nam chỉ xuất khẩu 20.933 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu trên 121,79 triệu USD, giảm 44,8% về lượng nhưng tăng 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 16.293 tấn, kim ngạch trên 80,67 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 1.520 tấn, kim ngạch 10,17 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11, Việt Nam xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu 4,7 tỉ USD, giảm 13,5% về lượng nhưng tăng 38,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu Robusta là chủ lực, đạt 964.610 tấn, kim ngạch 3,48 tỉ USD.

Thông thường các năm trước, khối lượng xuất khẩu tháng 11 tăng dần khi nông dân đã bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, số liệu năm nay đã phản ánh hiện tượng khác thường: Giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh.

Lý giải điều này, ông Hải cho hay: “Việc sản lượng xuất khẩu cà phê giảm mạnh trong nửa đầu tháng 11 không phải vấn đề lớn. Theo tôi nguyên nhân chính là do giá cà phê leo cao, khiến không tìm được điểm cân bằng về giá giữa bên cung và bên cầu. Người mua đợi giá hạ, người bán đợi giá tăng. Hai bên chưa tìm được giá chung để tiến hành thương vụ nên nhiều giao dịch bị chững lại. Thậm chí nhiều chủ thương lái “ém hàng” đợi giá cà phê lên cao hơn mới tung ra thị trường. Khách mua hàng quốc tế thì vẫn còn hàng dự trữ nên chưa vội chốt đơn”.

Cũng theo ông Hải, hiện mới là đầu vụ, theo tôi dự đoán vào nửa cuối tháng 11 và tháng 12, khi lượng cà phê thu hoạch nhiều hơn, giá cả ổn định hơn, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng lên.