Mở bến cảng số 3 tại cụm cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc

Admin
Cục Hàng hải và đường thủy Việt Nam (HH&ĐTVN) vừa công bố mở bến cảng số 3 - khu bến Lạch Huyện thuộc cảng Hải Phòng tại khu vực đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng.

Theo thiết kế, bến cảng số 3 có chiều dài 375m, tiếp nhận tàu container có tải trọng đến 100.000 DWT đầy tải (tương đương 8.000 TEUs).

Để bảo đảm an toàn khai thác bến cảng số 3, Cục HH&ĐTVN đề nghị Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại khu vực bến cảng nêu trên và được thu các khoản phí theo quy định pháp luật…

Cảng Hải Phòng thông báo cụ thể điều kiện khai thác và tổ chức khai thác bến cảng đúng mục đích, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định trước khi tiếp nhận các tàu thuyền vào bến cảng nhằm bảo đảm an toàn, phù hợp với khả năng tiếp nhận của luồng hàng hải, vũng quay tàu và các điều kiện kỹ thuật khác…

Mở bến cảng số 3 tại cụm cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc- Ảnh 1.

Hình ảnh bến cảng số 3 - khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng Hải Phòng tại khu vực đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Ảnh: CHP.

Theo tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng các bến cảng container quốc tế số 3 và 4 tại khu bến Lạch Huyện được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2019, do Công ty CP Cảng Hải Phòng - doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) làm chủ dự án.

Dự án bao gồm hai bến chính dài 750m, 1 bến sà lan dài 150m, hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 8000 - 14.000 TEU, tương đương 100.000 - 160.000 DWT, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm. Dự án được khởi công tháng 7/2022.

Dự kiến cuối tuần này, cảng Hải Phòng sẽ khai thác thử bến cảng số 3 và trong năm nay đưa vào sử dụng bến cảng số 4 , góp phần nâng cao sản lượng tiếp nhận hàng hóa thông qua hệ thống cảng Hải Phòng. Việc có thêm những bến cảng mới hoạt động tại Lạch Huyện sẽ giúp vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang châu Mỹ, châu Âu không cần trung chuyển qua nước thứ ba. Qua đó, giúp giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam.

Mở bến cảng số 3 tại cụm cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc- Ảnh 2.

Toàn cảnh khu bến cảng Lạch Huyện tại Hải Phòng. Ảnh: Lộc Liên.

Hiện tại, cảng Hải Phòng là cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc, thời gian qua tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng này tăng trưởng ổn định và đạt 40 triệu tấn, trong đó hàng container đạt xấp xỉ 2 triệu TEU với doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng.

Trong 3 cảng biển của Việt Nam được Tạp chí hàng hải Vương quốc Anh Lloyd’ List xếp trong top 100 cảng biển năm 2022 có sản lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới thì cảng Hải Phòng được đánh giá có những bước tăng trưởng ấn tượng bậc nhất.

Theo báo cáo của Công ty CP Cảng Hải Phòng, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng của công ty cả năm ngoái đạt gần 40 triệu tấn. Trong đó, hàng container đạt xấp xỉ 2 triệu TEU, hàng tổng hợp đạt trên 8 triệu tấn, tổng doanh thu đạt hơn 2.910 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.165 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của công ty, vượt xa kế hoạch doanh thu năm 2024 là 2.310 tỷ đồng và lợi nhuận là 840 tỷ đồng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc liên tục đầu tư vào các cảng nước sâu tại Hải Phòng sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất lên cao, tạo áp lực cạnh tranh lớn giữa các cảng.

Điển hình là trong năm nay, bến cảng 3 và 4 của Công ty CP Cảng Hải Phòng ở cảng Lạch Huyện đạt công suất 1,1 triệu TEU; bến 5 và 6 của Hateco tại khu vực cảng Lạch Huyện đạt công suất 1 triệu TEU giai đoạn 1, rồi đến năm 2026 có cảng Nam Đình Vũ 3 của Gemadept đạt công suất 650.000 TEU…

Trong khi đó, nguồn cung dịch vụ cảng biển trong giai đoạn 2025 - 2026 tại Hải Phòng dự kiến chỉ tăng tới 34% so với hiện tại (vốn đã đang dư công suất). Bên cạnh đó, thị trường vận tải biển toàn cầu vẫn đang biến động tiêu cực do tranh chấp địa chính trị và suy giảm kinh tế toàn cầu nên các cảng nằm phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là các cảng không có hợp tác với các hãng tàu.