
Một góc TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, hiện nay.
Nghị quyết 60 tại hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất chủ trương về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương).
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, 11 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.
52 địa phương sáp nhập còn 23 tỉnh, thành. Cả nước dự kiến sẽ còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 52 địa phương sáp nhập, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An sáp nhập thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh , trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Tân An, tỉnh Long An hiện nay, có diện tích tự nhiên 8.536,5 km2 và quy mô dân số 2.959.000 người.
Lợi thế kinh tế của tỉnh Tây Ninh mới
Tây Ninh nằm ở vùng Đông Nam Bộ, có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia. Tây Ninh là cầu nối quan trọng trong giao thương và giao lưu văn hóa giữa hai nước, với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, lớn nhất trong số các cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia.
Hiện nay, Tây Ninh giáp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP Hồ Chí Minh về phía đông và nam. Tây Ninh cách TP Hồ Chí Minh khoảng 100 km, tương đương khoảng 2-3 giờ lái xe. Cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 200km.
Tây Ninh sở hữu núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, là các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh này. Cạnh đó, Tây Ninh còn có thế mạnh về các cây công nghiệp như mía, mì, cao su.
Hồi giữa năm 2024, Tây Ninh phê duyệt đề án phát triển khu công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu giai đoạn này là tập trung phát triển các KCN, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm; đầu tư có trọng điểm hạ tầng thiết yếu và mở rộng diện tích các KCN ở những nơi có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tham gia KCN.
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của Tây Ninh này ước đạt 8,45%, vượt mục tiêu kế hoạch (+7,0%). Về quy mô và cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, GRDP giá hiện hành năm 2024 của tỉnh Tây Ninh ước đạt 123.878 tỷ đồng, với cơ cấu: khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 19,74% (năm trước là 19,72%); khu vực công nghiệp -xây dựng chiếm 45,79% (năm trước là 45,38%); khu vực dịch vụ chiếm 30,06% (năm trước là 30,32%); phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,41%.
So cả nước năm 2024, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. So trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 2/8 tỉnh thành, sau tỉnh Bình Phước.

Long An sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, dự kiến tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ đặt tỉnh lỵ tại tỉnh Long An hiện nay.
Long An giao thoa giữa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, với vị trí chiến lược là một trong những tỉnh đặc biệt tham gia vào cả ba vùng kinh tế: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Định hướng quy hoạch xây dựng Vùng biên giới Việt Nam – Campuchia cùng với nhiều lợi thế so sánh khác, theo Cổng thông tin Tỉnh uỷ Long An.
Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và các loại hình dịch vụ logistic thông qua Cảng quốc tế Long An, một trong những cảng biển lớn nhất miền Nam.
Hồi giữa năm 2024, theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Long An sẽ có 51 khu công nghiệp với diện tích trên 12.400ha. Ngoài ra, tỉnh còn có kế hoạch bổ sung 37 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 20.000 ha.
Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 34 KCN được thành lập với tổng diện tích trên 9.250 ha. Trong đó, 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất được quy hoạch gần 6.000ha (có 20 KCN đang hoạt động). Đến năm 2030, Long An sẽ có 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích tăng thêm gần 3.200ha, nâng tổng số khu công nghiệp của toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích gần 12.500ha.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Long An đạt khoảng 8,3%; đặc biệt quý 3 đạt 10,82%, quý 4 đạt 11,26%. Với tốc độ tăng trưởng năm 2024, Long An đứng thứ 3 Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng trong năm 2024, Long An là địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút đầu tư nước ngoài với 1.377 dự án, vốn đầu tư đăng ký khoảng 12,6 tỷ USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ USD.
Trong năm 2024, quy mô kinh tế tỉnh Long An hơn 188.000 tỷ đồng, đứng thứ 13 cả nước.
Theo thống kê của VnExpress, tỉnh Tây Ninh (mới) đứng thứ 10 trong danh sách các địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam.