Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, mức thuế 46% mà Hoa Kỳ mới áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4 tới đây, có thể tạo ra những tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông, chính sách thuế mới này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như các lĩnh vực liên quan như dịch vụ và việc làm trong nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày,… sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do phần lớn sản phẩm trong các nhóm này thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo. Việc áp thuế cao sẽ khiến giá thành hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ tăng lên, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các quốc gia khác. Đồng thời, sức mua của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng đang suy giảm, dẫn đến nguy cơ sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
Thêm vào đó, chính sách thuế mới sẽ khiến các đối tác hợp đồng, đặc biệt là doanh nghiệp Hoa Kỳ, phải cân nhắc khả năng duy trì hoặc chấm dứt hợp đồng đã ký, cũng như gây khó khăn cho việc đàm phán các hợp đồng mới trong tương lai.
Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp để trao đổi với phía Hoa Kỳ. Bộ Công Thương đã tích cực làm việc với các cấp của Hoa Kỳ để làm rõ quan điểm của Việt Nam. Ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng, ngày 3/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi Công hàm đến Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế nhằm tìm giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị tổ chức cuộc điện đàm sớm để trao đổi cụ thể.
Vào tối ngày 4/4, trong cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, hai bên khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích chung. Việt Nam bày tỏ thiện chí sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về việc đưa thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về mức 0%, đồng thời đề nghị phía Hoa Kỳ có chính sách tương tự với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xử lý vấn đề thuế quan giữa hai nước.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) để duy trì đối thoại, xử lý các vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương và nghiên cứu các khuôn khổ hợp tác phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chia sẻ tại buổi họp báo.
Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác tăng cường hợp tác và thích ứng với chính sách kinh tế - thương mại của Hoa Kỳ do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó và các lãnh đạo bộ ngành liên quan là thành viên. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của tổ công tác. Tổ công tác có nhiệm vụ theo dõi sát tình hình thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ để kịp thời tham mưu, kiến nghị các biện pháp ứng phó hiệu quả, góp phần duy trì môi trường ổn định, thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng.
Bối cảnh mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2025. Các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra.
Trong thời gian tới, xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Gải pháp thứ nhất là tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Thứ hai, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung đông, Mỹ Latin, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Thứ tư, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển. Ở đây chúng ta phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển trong nước, đáp ứng với các yêu cầu xuất xứ của các quốc gia.
Thứ năm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhật mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.
Thứ sáu, mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Thứ bảy, Bộ Công Thương nhận định, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Các doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động cập nhật thông tin thị trường và điều chỉnh chiến lược phù hợp. Cùng với đó là đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu; tăng cường năng lực phòng vệ thương mại và sẵn sàng ứng phó với các biện pháp từ nước ngoài.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong nỗ lực xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững, thích ứng với những biến động trong thương mại toàn cầu.