Thủ tướng giao nhiệm vụ gì khi Tập đoàn Việt Nam tự tin đủ năng lực tham gia siêu dự án 67,3 tỷ USD?

Admin
Tập đoàn hàng đầu Việt Nam tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng tới thăm, làm việc với Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất

Chiều tối 9/2, trong chương trình công tác tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất thuộc tập đoàn Hòa Phát. 

Từ khi bắt đầu triển khai dự án từ năm 2017 đến năm 2024, Thép Hòa Phát Dung Quất đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 35.000 tỷ đồng. Các dự án của Hòa Phát trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất giải quyết việc làm cho khoảng 19.000 lao động trực tiếp, trong đó lao động địa phương chiếm hơn 80% và hàng chục nghìn lao động của các nhà thầu, đối tác của Hòa Phát.

Thủ tướng giao nhiệm vụ gì khi Tập đoàn Việt Nam tự tin đủ năng lực tham gia siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 1.

Thủ tướng thăm khu bến cảng xuất, nhập khẩu quặng, thép tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, trong Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Tập đoàn đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Khi dự án khu liên hợp thứ 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát đạt trên 14 triệu tấn/năm và dự kiến đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025. Ông Long khẳng định Hòa Phát sẽ tăng trưởng không dưới 15% từ nay tới năm 2030.

"Với năng lực hiện có, Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giá cả, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới", Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh.

Thủ tướng giao nhiệm vụ gì khi Tập đoàn Việt Nam tự tin đủ năng lực tham gia siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 2.

Thủ tướng tham quan Nhà máy cán thép cuộn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và bày tỏ tự hào trước những kết quả đạt được của Hòa Phát sau 8 năm đầu tư tại Quảng Ngãi; đồng thời đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ngãi để dự án của Hòa Phát triển khai thuận lợi.

Thủ tướng đề nghị Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Loạt 'quân bài' chiến lược được Hòa Phát chuẩn bị để bước chân vào dự án 67,3 tỷ USD

Thời gian qua, Tập đoàn Hòa Phát nhiều lần bày tỏ mong muốn và sẵn sàng tham gia vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 67,3 tỷ USD, dài 1.541km. Để sẵn sàng cho dự án trọng điểm này, Hòa Phát đã và đang có hàng loạt sự chuẩn bị trong các lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, nhân lực, nhà máy.

 Về công nghệ - kỹ thuật

Trong tháng 10 và tháng 11/2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu.

Chuyến đi này là nhằm tham khảo cách bố trí dây chuyền thiết bị công nghệ cho nhà máy, cách thức vận hành tổ chức sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất, quy trình kiểm tra chất lượng xuyên suốt để quá trình sản xuất ray cho đường sắt tốc độ cao luôn ở cấp cao nhất.

Thủ tướng giao nhiệm vụ gì khi Tập đoàn Việt Nam tự tin đủ năng lực tham gia siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 3.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đoàn cán bộ kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm tại nhà máy sản xuất ray hàng đầu châu Âu - Voestalpine (Áo). Ảnh: VGP

Về nhân lực

Thời gian qua, Hòa Phát Dung Quất đã phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội liên tục tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao.

"Đội ngũ kỹ sư công nghệ của Tập đoàn Hòa Phát đã làm chủ tốt công nghệ để cho ra đời những sản phẩm khó, chất lượng cao nhất như dây thép cho dập nguội, sợi thép hàn hồ quang, thép làm cáp thang máy, thép tấm kháng thời tiết năm 2021, đặc biệt thép cuộn làm tanh bố lốp ô tô (thép tirecord)", ông Trần Đình Long cho biết.

Thủ tướng giao nhiệm vụ gì khi Tập đoàn Việt Nam tự tin đủ năng lực tham gia siêu dự án 67,3 tỷ USD?- Ảnh 4.

Thép Hòa Phát Dung Quất phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu. Ảnh: VGP

Về nhà máy

Hiện nay Hòa Phát đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên. Tại đây sẽ có Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.

Ngay sau khi có mặt bằng, Hòa Phát có thể sẵn sàng triển khai dự án sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc, cả về công nghệ, đội ngũ nhân lực và địa điểm sản xuất.

Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất thép đường ray cao tốc với kích thước mỗi thanh ray dài từ 50 m đến 100 m, và việc vận chuyển sẽ được thực hiện qua đường sắt thay vì sử dụng đường bộ để đưa sản phẩm tới các công trường.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từng chia sẻ rằng Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Chính phủ, đặc biệt đánh giá cao yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất vào các gói thầu.

Với vai trò là nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á và đứng trong top 50 thế giới, Tập đoàn Hòa Phát cam kết bốn điểm chính: Đảm bảo khối lượng theo yêu cầu; Duy trì tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; Đáp ứng đúng tiến độ giao hàng; Mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với hàng nhập khẩu.

Hiện nay với công suất 8,5 triệu tấn thép mỗi năm, Hòa Phát đang là nhà cung cấp thép lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, việc cung cấp 6 triệu tấn thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn toàn nằm trong khả năng của tập đoàn.