Việt Nam tháo gỡ được một việc thì có thể giải phóng khoản tiền khổng lồ, tương đương 50% GDP

Admin
Thủ tướng cho rằng, cần phải chấp nhận đây như "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa.
Việt Nam tháo gỡ được một việc thì có thể giải phóng khoản tiền khổng lồ, tương đương 50% GDP- Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 23/5. Ảnh: VGP

Sáng nay (23/5), thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội, Thủ tướng đã chia sẻ về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong khi thế giới hạ dự báo tăng trưởng, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược, triển khai bộ tứ trụ cột, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyển đổi trạng thái phục vụ người dân và doanh nghiệp, cắt giảm tối đa thủ tục, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện để người dân, doanh nghiệp cứ thế làm những gì pháp luật không cấm.

Một trong những vấn đề quan trọng được Thủ tướng đề cập tại phiên thảo luận tổ sáng nay về tình hình kinh tế - xã hội là chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo Thủ tướng, có nhiều dự án tồn đọng nhiều năm và qua nhiều nhiệm kỳ do chính sách không phù hợp. Đơn cử như lĩnh vực điện gió và mặt trời, vì chính sách trước đây đưa ra chưa phù hợp dẫn tới tiêu cực và lượng lớn dự án được ồ ạt xây dựng không đúng quy hoạch, thủ tục. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phải ban hành nghị quyết để xử lý, với tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, theo thống kê từ các địa phương, cả nước hiện có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng. Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng được khoảng hơn 230 tỷ USD, tương đương với khoảng 50% GDP cả nước. Để có thể giải phóng nguồn lực ở các dự án tồn đọng, Chính phủ cũng đang tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền để xử lý.

Đặc biệt, riêng về điện gió, điện mặt trời, vừa qua phải xử lý một loạt dự án thông qua Nghị quyết 133. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách không tốt, dẫn đến tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án không đúng quy hoạch, không đúng thủ tục…

Thủ tướng khẳng định quan điểm là không hợp thức hóa sai phạm nhưng cần tìm giải pháp để xử lý. Chẳng hạn như xử lý về mặt tổ chức, con người, xử lý về mặt thể chế, tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ cách thức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thay đổi thì cơ chế chính sách phải thay đổi.

Chấp nhận "mất học phí" để xử lý hàng nghìn dự án tồn đọng

Việt Nam tháo gỡ được một việc thì có thể giải phóng khoản tiền khổng lồ, tương đương 50% GDP- Ảnh 2.

Theo Thủ tướng, giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng là việc không thể không làm. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng, cần phải chấp nhận đây như "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa, và chữa thì phải đúng.

"Chữa bệnh, một là phải mổ xẻ thì phải đau đớn, chịu mất máu, hai là chữa lâm sàng, uống thuốc cũng vẫn phải mất tiền. Tóm lại, nếu khắc phục hậu quả không thể nào đòi hỏi thu về 100%, cần phải chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ", Thủ tướng nêu quan điểm.

Theo Thủ tướng, điều quan trọng là khi cắt bỏ những đau đớn này sẽ cho chúng ta những bài học mới, cho chúng ta kinh nghiệm mới để tránh lặp lại trong tương lai.

" Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng là việc không thể không làm. Phải chấp nhận sự mất mát nào đó, coi đó là học phí. Từ đó đưa ra cơ chế chính sách, quyết tâm giải quyết và giải quyết dứt điểm", Thủ tướng cho biết.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng đất đai lâm trường, nông trường cũng là vấn đề nhức nhối. Trước đây, việc quản lý, thành lập nông lâm trường rất cần thiết trong quá trình phát triển, tuy nhiên khi tiến hành lại buông lỏng quản lý, không có chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

Vì thế, theo Thủ tướng, bây giờ phải đi giải quyết hậu quả cả pháp lý và thực tiễn, làm sao khắc phục tối ưu nhất, nếu không chấp nhận đau đớn, mất mất thì không giải quyết dứt điểm được.

"Chờ đợi xử lý cả rừng thủ tục thì cơ hội đi mất rồi"

Bên cạnh đó, có một vấn đề hết sức quan trọng khác được Thủ tướng đề cập là đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng đặt vấn đề, Phân cấp phân quyền mà không phân bổ nguồn lực, cái gì cũng phải đi xin thì không làm được, sẽ gây ra nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt là có những việc đương nhiên phải làm, đưa ra không ai có ý kiến phản đối nhưng vẫn phải làm thủ tục.

Từ đó, Thủ tướng chỉ ra một vấn đề hiện nay chưa được đánh giá hết. Đó là tình trạng lãng phí cơ hội và thời gian. Theo người đứng đầu Chính phủ, cơ hội đến và đi rất nhanh, nhưng cứ "chờ đợi xử lý cả rừng thủ tục thì cơ hội đi mất rồi".

Chính vì vậy, việc phân cấp phân quyền trên tinh thần chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Những việc đột xuất bất ngờ mang đến cơ hội thì cần tập trung giải quyết nhanh, chứ không thể chờ thủ tục hành chính. Thủ tướng đề nghị Quốc hội phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Chính phủ phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương.