Xuất khẩu sầu riêng lao dốc, nhập từ Thái Lan và Malaysia tăng đột biến

Admin
Sầu riêng - loại trái cây vốn là thế mạnh của Việt Nam từng mang về hàng tỷ USD mỗi năm - đang rơi vào nghịch lý chưa từng thấy. Trong khi xuất khẩu sầu riêng giảm sâu suốt 5 tháng liền, doanh nghiệp lại chi mạnh đột biến để nhập khẩu chính loại trái cây này từ Thái Lan và Malaysia.

Tăng vọt nhập khẩu

Nước ta mới ghi nhận mức nhập khẩu sầu riêng tăng vọt trong những tháng đầu năm. Theo số liệu của Cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp, tổ chức đã chi gần 9,3 triệu USD (tương đương 236 tỷ đồng) để nhập khẩu sầu riêng, tăng tới 518% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng sầu riêng trong tổng số rau quả nhập khẩu cũng tăng từ 0,24% lên 1,17%.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Việt Nam dù là nước có thế mạnh trồng và xuất khẩu sầu riêng, song phải nhập nhiều là điều không quá bất thường. Ông dẫn chứng, ngay cả Thái Lan - quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, hay Trung Quốc - nước dẫn đầu toàn cầu về sản lượng xoài, họ cũng vẫn nhập khẩu các loại trái cây này để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc, nhập từ Thái Lan và Malaysia tăng đột biến- Ảnh 1.

Chỉ trong 4 tháng, Việt Nam chi tới 236 tỷ đồng để nhập khẩu sầu riêng.

Lý giải cụ thể về việc Việt Nam chi gần chục triệu USD để nhập khẩu sầu riêng chỉ trong vài tháng, ông Nguyên cho rằng, nguyên nhân chính đến từ tâm lý tiêu dùng. Đặc biệt, nhóm khách hàng thu nhập cao thường tiêu dùng hàng ngoại, với niềm tin vào chất lượng của sản phẩm nhập khẩu nên sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua.

Bên cạnh đó, ông Nguyên còn cho rằng, số lượng nhập khẩu tăng do yếu tố mùa vụ. Những tháng đầu năm, các tỉnh miền Tây - vùng trồng sầu riêng trọng điểm - rơi vào mùa nghịch, sản lượng sầu riêng sụt giảm đáng kể so với chính vụ từ tháng 4 đến tháng 9. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết tăng cao buộc doanh nghiệp, tổ chức phải nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt.

Hiện nay, sầu riêng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là các loại Musang King và Black Thorn đến từ Thái Lan và Malaysia. Giá những loại sầu riêng này khá cao.

Khảo sát trên thị trường, sầu riêng Black Thorn từ Malaysia được bán với giá từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg, còn sầu riêng Musang King dạng đông lạnh có giá 500.000 - 600.000 đồng cho mỗi hộp 400 gram.

Dù Việt Nam có lợi thế trồng sầu riêng với sản lượng lớn nhưng chưa có nhiều loại đạt “thương hiệu quốc tế” như sầu riêng của Thái Lan và Malaysia. Điều này khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua sản phẩm ngoại dù giá cao, tạo ra một thị trường ngách cho sầu riêng nhập khẩu.

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc chưa từng có

Năm 2024, Việt Nam đứng vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu sầu riêng, chỉ sau Thái Lan. Lượng sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm 72% tổng sản lượng sầu riêng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, cục diện thị trường đã thay đổi chóng mặt.

Theo số liệu từ Cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 387 triệu USD, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng sầu riêng trong nhóm rau quả xuất khẩu cũng rớt mạnh từ 35% xuống còn 17%.

Riêng tháng 5, kim ngạch tiếp tục đi xuống, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp sầu riêng xuất khẩu sụt giảm - điều chưa từng xảy ra trước đó.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 278 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, giảm tới 67% so với cùng kỳ 2024.

Ông Nguyên cho biết: “Sự sụt giảm này được lý giải bởi hàng loạt rào cản kỹ thuật mà Trung Quốc áp dụng từ đầu năm, như siết chặt kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát hóa chất cấm, dư lượng kim loại nặng và gian lận mã số vùng trồng”.

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc, nhập từ Thái Lan và Malaysia tăng đột biến- Ảnh 2.

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc 5 tháng liên tục.

Cũng theo ông Nguyên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện phải cắt giảm quy mô đơn hàng, chỉ dám xuất theo lô nhỏ vì lo ngại hàng bị giữ lại tại cửa khẩu nếu không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch. Một số doanh nghiệp thậm chí tạm ngưng xuất khẩu để hoàn thiện hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Để tháo gỡ tình trạng xuất khẩu sụt giảm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc về kỹ thuật và chất lượng trong nước, Bộ đã cử đoàn đàm phán sang Trung Quốc, trực tiếp làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), thống nhất tăng cường nhân lực kiểm tra tại cửa khẩu và phê duyệt thêm mã số vùng trồng để đẩy mạnh thông quan sầu riêng .